Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn - huyện Lâm Bình

19/08/2019 11160 0
Lễ hội nhảy lửa là sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn quan niệm có các vị thần che chở, giúp đỡ. Lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu vói khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn

Lễ hội nhảy lửa là sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn quan niệm có các vị thần che chở, giúp đỡ. Lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu vói khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, ngọn lửa tượng trưng cho sự sống, sự ấm no hạnh phúc và không thể thiếu trong đời sống. Hiện, đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Tuyên Quang có 150 hộ với 686 nhân khẩu, sống tập trung chủ yếu ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Nhảy lửa là lễ hội tiêu biểu của người Pà Thẻn, thường được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật.

Lễ hội được bắt đầu bằng việc thầy cúng của người Pà Thẻn làm lễ cầu khẩn thần linh. Lễ vật cúng tế gồm một bát hương, một chiếc đàn gõ, một con gà, 5 chén rượu, tiền giấy. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa sẽ ngồi đối diện với thầy mo và được làm phép "nhập ma" và chỉ dành cho nam giới. Thời gian làm lễ kéo dài 1-2 giờ trước khi lễ hội bắt đầu.

Theo những người đã từng tham dự Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, trong khi thầy mo cúng thần linh cũng là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa, những người tham gia nhảy lửa như được tiếp sức mạnh, sự khéo léo và lòng dũng cảm. Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia Lễ hội nhảy lửa, họ nhảy múa trên đống than hồng rực mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của hàng nghìn khán giả. Những người đàn ông với đôi bàn chân trần  nhảy lên đống than còn đỏ dực. Điều kỳ lạ, họ nhảy vào đống than với sức nóng như vậy, nhưng không một ai bị bỏng, lúc trở ra họ đều cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng và trong người cũng cảm thấy lạnh hơn. Những đốm than được hất tung lên trời càng làm cho người xem cũng như du khách cảm thấy thích thú và tò mò về hoạt động này. 

Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của bản làng người Pà Thẻn,  không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác. Lễ Hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn có từ lâu đời, với những giá trị văn hóa và khoa học của di sản. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn cào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 1, nhằm  bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia. 

Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và ấn tượng có từ lâu đời, người Pà Thẻn hiện nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đây cũng chính là tiềm năng để huyện Lâm Bình thu hút du khách trong nước và Quốc tế đến và trải nghiệm. Lễ hội nhảy lửa vẫn được người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình tổ chức thường xuyên và gìn giữ nguyên sơ, là một trong những sự kiện thu hút đông đảo khách du lịch khi muốn khám phá văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn nói riêng cũng như các dân tộc miền núi phía bắc nói chung. Cùng với Lễ Hội nhảy lửa, du khách còn thưởng thức một số tiết mục văn nghệ đặc sắc cũng như được tận mắt chứng kiến nghi lễ kéo chày của dân tộc Pà Thẻn.

Tỉnh Tuyên Quang đang từng bước xây dựng Lễ hội nhảy lửa trở thành “sản phẩm” du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước muốn khám phá văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn trong mỗi dịp Tết đến Xuân về....

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu