Những điểm du lịch hấp dẫn tại Tuyên Quang

24/03/2021 2076 0
Tuyên Quang cách thủ đô Hà Nội 140km về phía Bắc, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

Tuyên Quang cách thủ đô Hà Nội 140km về phía Bắc, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

Ðịa hình tỉnh bao gồm vùng núi cao chiếm khoảng 50% diện tích toàn tỉnh gồm toàn bộ huyện Na Hang, Lâm Bình, 06 xã vùng cao của huyện Chiêm Hóa (Phúc Sơn, Minh Quang, Phú Bình, Bình Phú, Yên Lập, Kiên Đài) và 02 xã vùng cao của huyện Hàm Yên (Phù Lưu, Yên Lâm); vùng núi thấp và trung du chiếm khoảng 50% diện tích của tỉnh, bao gồm các xã còn lại của 02 huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên và các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang. Ðiểm cao nhất là đỉnh núi Cham Chu (Hàm Yên) có độ cao 1.587m so với mực nước biển.

Đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh là quốc lộ 2 từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang đoạn qua địa bàn tỉnh dài 90km; quốc lộ 37 từ Thái Nguyên qua huyện Sơn Dương, Yên Sơn đi Yên Bái; quốc lộ 2C từ Vĩnh Phúc đi Tuyên Quang đến trung tâm huyện Na Hang; quốc lộ 279 từ Bắc Kạn qua Tuyên Quang đi Hà Giang. Hệ thống sông ngòi của tỉnh bao gồm 500 sông suối lớn nhỏ chảy qua. Các sông chính như: Sông Lô, sông Gâm, sông Năng (sông Ngang) sông Phó Ðáy.

* Khí hậu
- Nhiệt độ trung bình hằng năm 220C - 240C
- Nhiệt độ cao nhất trung bình 330C - 350C.
- Nhiệt độ thấp nhất trung bình từ 120C - 130C.
- Lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.500 - 1.700 mm.

Mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa Bắc Á Trung Hoa có 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh - khô hạn và mùa hè nóng ẩm mưa nhiều; mưa bão tập trung từ tháng 5 đến tháng 8; tháng lạnh nhất là tháng 11 và 12 (âm lịch).

Những điểm du lịch hấp dẫn, đáng trải nghiệm Khi đến Tuyên Quang:

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ TÂN TRÀO - SƠN DƯƠNG

Lán Nà Nưa:

Là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nhà sàn. Ngày mùng 4 tháng 6 năm 1945, tại nơi đây, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại Hội, Tổng khởi nghĩa. Hiện tại lán vẫn được bảo tồn và là điểm du lịch hấp dẫn du khách thăm quan.

Tại lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị: Vùng giải phóng đã bao gồm 6 tỉnh (Cao Bằng- Bắc Kạn- Lạng Sơn- Hà Giang- Tuyên Quang- Thái Nguyên) địa thế nối liền với nhau nên thành lập khu căn cứ, lấy tên là Khu giải phóng; các lực lượng vũ trang sau khi thống nhất lại, lấy tên chung là Quân giải phóng; triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác. Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh...Tân Trào được chọn làm “Thủ đô của Khu giải phóng”, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam. Từ căn lán nhỏ Nà Nưa - từ Tân Trào mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước.

Cũng tại đây, Bác Hồ rất quan tâm công tác cán bộ. Theo chỉ thị của Người, ngày 25-6-1945, Trường Quân chính kháng Nhật khai giảng khóa I, tại Khuổi Kịch, xã Tân Trào. Người chỉ đạo lựa chọn một số học sinh biết tiếng Anh hoặc tiếng Pháp của Trường Quân chính kháng Nhật cử tham gia lớp báo vụ (đào tạo nhân viên điên đài)...

Cuối tháng 7 năm 1945, do điều kiện làm việc hết sức gian khổ và thiếu thốn, với những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh, cộng với sức khỏe của Bác bị giảm sút nhiều trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù đế quốc nên Người bị ốm nặng, sốt liên miên, lúc tỉnh lúc mê. Mọi người rất lo lắng cho Bác, có người vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước cho Bác, có người ra sông Phó Đáy bất được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu cho Bác uống, cầu mong Bác mau khỏi bệnh.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang ở và làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân, ở thôn Tân Lập, hàng ngày lên lán Nà Nưa báo cáo tình hình công việc với Bác. Một hôm, lên báo cáo công việc, thấy Bác rất yếu, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại với Bác. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lúc khác Bác lại dặn: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trong xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Những lời dặn dò, khẳng định ý chí, quyết tâm và tấm lòng khát khao giành độc lập dân tộc của Bác Hồ khi thời cơ chín muồi.

Hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc báo tin sức khỏe của Bác cho các đồng chí Trung ương và tìm người chữa bệnh cho Bác. Nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già người Tày đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi bắt mạch, cụ lang vào rừng rồi đem về một thứ củ, đốt cháy hòa vào cháo loãng mời Bác uống. Uống vài lần như vậy, Người đỡ dần và gượng dậy tiếp tục làm việc.

Tình hình hết sức khẩn trương khi Hồng quân Liên Xô đập tan đạo quân Quan Đông của Nhật, Bác đề nghị Ban Thường vụ Trung ương khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào, gồm hơn 30 đại biểu các đảng bộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, để bàn luận và quyết định những vấn đề hệ trọng tới vận mệnh đất nước. Hội nghị họp tại căn lán cách lán Nà Nưa nơi Bác ở khoảng 20m về phía tây bắc. Đây là căn lán 2 gian, được làm tạm bằng gỗ, nứa, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống, trong lán không có bàn ghế. Các đại biểu dự họp dùng lá cọ trải xuống đất và những khúc gỗ nhỏ kê lên để ngồi. Hội nghị quyết định phát động toàn quốc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc... 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số I, kêu gọi: “Hỡi quân dân toàn quốc!...Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà...”.

Trong ngày 15-8-1945, nhận được tin phát xít Nhật chính thức đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, Bác Hồ đề nghị Hội nghị toàn quốc của Đảng kết thúc sớm để các đại biểu còn kịp về các địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Ngày 16 và 17-8, Bác Hồ dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa được Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định. Đại hội bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời), do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quy định quốc kỳ, quốc ca của nước Việt Nam mới... Sau Quốc dân Đại hội, ngày 18-8-1945, Bác Hồ  viếtThư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, gửi quốc dân, đồng bào, trong thư này, lần cuối Người ký tên Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 22-8-1945, mặc dù còn mệt nhiều, nhưng Bác Hồ quyết định rời căn lán Nà Nưa về Hà Nội. Từ căn lán nhỏ đơn sơ- lán Nà Nưa, trong khu rừng Nà Nưa, với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã vạch đường chỉ lối cho toàn dân tộc tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại: Dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã

Để bảo tồn giá trị đặc biệt của di tích, năm 1972, di tích lán Nà Nưa (lán Nà Lừa) đã được phục dựng lại tại địa điểm căn lán cũ. Năm 2009, lán Nà Nưa tiếp tục được tu bổ; đồng thời phục dựng hệ thống các di tích: Lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (cách lán của Bác 20m về phía tây bắc), làn cảnh vệ (cách lán của Bác,30m về phía tây), lánđiện đài (cách lán của Bác, 30m về hướng nam), lán Đồng minh (cách lán của Bác, khoảng 40m về hướng bắc). Lán Nà Nưa, là một trong số 138 di tích, cụm di tích trong khu di tích lịch sử Tân Trào được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, ngày 10-5-2012.

Khu di tích lịch sử công an nhân dân

Khu tích tích lịch sử Công an nhân dân đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa qua trọng đánh dấu những bước trưởng thành của lực lượng công an nhân dân. Toàn bộ nhà ở, nhà làm việc của Nha Công an nằm trên hai quả đồi lớn, thường gọi là đồi A và đồi B. Hai quả đồi này nằm liền nhau, dưới đó là cánh đồng Lũng Cò (có sân bay Lũng Cò) khá rộng. Phía sau hai quả đồi A và đồi B là núi Đền bao bọc. Xung quanh Nha Công an có hệ thống giao thông hào nối hai đồi A và B và các bộ phận phòng thủ, chiến đấu khi có chiến sự. Ngày 14-8-1999, Bộ Công an đã khởi công xây dựng, khôi phục, tôn tạo Khu di tích lịch sử Nha Công an Việt Nam. Điểm nhấn của Khu di tích là quần thể tượng đài bằng đá, có diện tích gần 3.000m2, với trung tâm là Tượng đài “Vì an ninh Tổ quốc”, được làm bằng đá granite nguyên khối lớn nhất nước ta hiện nay, cao 21,6m, đường kính 4,5m, trọng lượng 420 tấn. Hình tượng người chiến sỹ tay nâng cao chim bồ câu thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Tại Khu di tích này còn lưu giữ trên 2.000 hiện vật - một kho tư liệu vô giá của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ.

Hang Bòng

Là nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hang nằm ở trên lưng chừng núi Bòng, dưới chân núi là dòng sông Phó Đáy uốn khúc ôm lấy bên hữu dãy núi. Chính tại đây Bác Hồ đã chỉ đạo chiến dịch Biên giới 1950 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vào năm 1951

Hang Bòng là nơi kín đáo, thuận tiện trong việc liên lạc, chỉ đạo, bởi nằm ở trung tâm an toàn khu, gần Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ ở Thác Dẫng - Lập Binh, xã Bình Yên, bên kia sông Phó Đáy. Trước cửa hang, các đồng chí cảnh vệ dựng 1 gian lán nhỏ để Bác Hồ ở và làm việc. Lán kiểu nhà sàn, các thanh dầm gối vào vách đá, lợp lá cọ, xung quanh đan bằng nứa nong đôi. Lán nằm dưới tán cây rừng, bảo đảm an toàn, bí mật. Từ trên lán, có thể quan sát cả một vùng rộng lớn phía dưới.

Tại đây có giếng nước trong mát, hàng ngày Bác xuống lấy nước sinh hoạt. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian tăng gia sản xuất, vui đùa với các cháu nhỏ, luyện tập thể thao, câu cá. Mỗi lần ra sông Phó Đáy tắm, khi về Bác mang theo những viên đá nhỏ xếp vào các bậc lên xuống hang để trời mưa đỡ trơn.

Trong thời gian ở Hang Bòng, Bác Hồ đã dự và chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của BCH Trung ương Đảng, Chính phủ, viết báo, làm thơ, viết thư thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ ngoài mặt trận, các cháu thiếu nhi, đồng bào vùng bị địch tạm chiếm... Nhiều quyết định quan trọng từ hang Bòng đã làm thay đổi cục diện chiến trường; quan hệ ngoại giao được xây dựng và củng cố đưa vị thế chính trị của Việt Nam lên tầm cao mới; công tác tài chính, tiền tệ được chú trọng để tạo sức mạnh cho nền kinh tế kháng chiến. Cũng từ Hang Bòng, Bác Hồ đã lên đường đi công tác Liên Xô, Trung Quốc; ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch.

Tại đây, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh thành lập Quốc gia Ngân hàng Việt Nam; sắc lệnh về thuế vùng nông nghiệp; công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”... Thời gian ở và làm việc tại Hang Bòng, Bác Hồ đặc biệt chú trọng công tác phê bình và tự phê bình. Ba lần Người viết bài “Tự phê bình và phê bình”, “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, đăng trên báo Nhân Dân.

Tại hang Bòng tháng 8-1951, Bác Hồ gửi thư cảm ơn bà Phạm Thị Dược - một bà mẹ chiến sỹ ở Tuyên Quang gửi tặng Người một công trái 100 kg thóc; gửi thư cảm ơn ông Vũ Đình Dộc, cơ sở đại lý báo Cứu quốc ở Bình Ca - Tuyên Quang gửi tặng Người 2 phiếu công trái trị giá 100 kg thóc để Người làm giải thưởng thi đua.

Đình Tân Trào

Là một ngôi đình thờ Thành Hoàng và các vị thần sông, thần núi của làng Tân Lập. Đình được dựng vào năm Quý Hợi (1923) theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ, Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945, các Đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp Quốc dân Đại hội.

Tại đây, các Đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây.

Bác đọc lời tuyên thệ: " Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội  bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân  ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo dân nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!"

          Giọng Bác trang nghiêm, lời thề gắn gọn, hùng hồn thể hiện khí phách kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Đình Tân Trào chứng kiến lời thề của Bác, chứng kiến khí thế sôi nổi của Quốc dân đại hội trong những ngày hừng hực của khởi nghĩa cách mạng tháng Tám.  

Quốc dân đại hội kết thúc, Bác đọc lời tổng kết chúc mừng các vị Đại biểu trở về địa phương nỗ lực phấn đấu cùng toàn dân chớp lấy thời cơ đưa cách mạng đến thắng lợi. Sau khi Bác đọc lời tổng kết, Đại hội còn tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ trong đình, Bác cũng tham dự và nói cùng các vị Đại biểu: "Bây giờ đang vui như thế này thì ta hãy tổ chức một trò chơi vui mà học đi". Mỗi vị đại biểu có một tiết mục góp vui, lúc bấy giờ đồng chí Nguyễn Đình Thi là thanh niên, là đại biểu, đại diện cho giới tri thức đã đứng lên hát bài ''Thanh niên cứu quốc ca'' trong đó có câu: "Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến; tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh". Bài hát kết thúc, mọi người hân hoan vỗ tay, Bác đợi cho không khí lắng xuống, Bác nói với đồng chí Nguyễn Đình Thi: ''Bài hát của chú rất hay, nhưng chú phải đổi một câu; bây giờ chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì không hợp nữa, mà chú phải nên hát là gươm đây, gươm đây thời cơ đã đến thì mới kịp tình hình chung''. Lúc này mọi người đã hiểu ra và vỗ tay hoan hô Bác.

Đình Tân Trào không những ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại trong thời kỳ cách mạng mà còn ghi dấu những kỷ niệm trong thời kỳ hoà bình. Ngày 20 tháng 3 năm 1961, Bác Hồ đã trở lại thăm quê hương cách mạng Tân Trào, nhân dân Tân Trào vui mừng đón Bác tại đình Tân Trào. Trong buổi mít tinh, Bác ân cần dặn dò nhân dân các dân tộc Tân Trào tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất và xây dựng cuộc sống mới ở quê hương mình. Những câu chuyện những lời dặn của Bác đã thấm sâu vào lòng người dân Tân Trào.

 Quốc dân Đại hội Tân Trào, ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 là mốc son chói lọi  mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Cây Đa Tân Trào

 

Nằm trên vùng đất địa linh sánh đôi cùng với rất nhiều di tích lịch sử thiêng liêng khác, cây đa Tân Trào là cây cổ thụ nằm ở đầu làng Kim Long – hiện là Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Trong những năm tháng cũ, canh lá cây cổ thụ sum suê và tươi tốt, gồm 2 cây mọc cách nhau tầm 10m nhưng hình ảnh phía trên. Khi ấy người dân địa phương gọi thân quen bằng cái tên “cây đa ông” – “cây đa bà”.

Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang

Bảo Tàng Tân Trào

Nhà trưng bày Bảo tàng Tân Trào (Tuyên Quang) hiện lưu giữ 128 hiện vật, 112 tài liệu giấy tờ, ảnh tài liệu và hơn một nghìn tài liệu khoa học. Phần lớn là những hiện vật, tài liệu về Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đình Hồng Thái

Đình thuộc địa phận làng Kim Trận (nay là thôn Cả), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đình cất dựng năm 1919, có kiến trúc thuần gỗ, mái lợp lá cọ, đình gồm 3 gian 2 chái, dáng dấp nhà sàn miền núi.

Đình Hồng Thái cũng như ngôi đình của Việt Nam với chức năng tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng, thần Sông, thần Núi và các vị thần xung quanh vùng. Ngoài ra, đình còn thờ một vị nhân thần là Ngọc Dung Công Chúa. Hơn nữa, đình còn là nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp của làng.

Hàng năm dân làng tổ chức nhiều lễ cúng bái tại đình, các ngày lễ dựa vào mùa vụ trong năm. Ngày lễ lớn nhất là ngày mùng 3 tháng Giêng âm lịch, trong ngày lễ này, đồng bào tổ chức nghi lễ rước Công chúa Ngọc Dung; phần hội có nhiều trò chơi hấp dẫn như hát then, hát cọi, các trò chơi dân gian…

Ngoài giá trị về mặt văn hoá tín ngưỡng thì ngôi đình còn có giá trị về mặt lịch sử. Bởi đây là nơi dừng chân đầu tiên của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi người từ Pắc Bó, Cao Bằng đến với căn cứ địa Cách mạng Tân Trào ngày 21/5/1945.

ĐIỂM DU LỊCH TẠI THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang

Bảo tàng Tuyên Quang không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà còn thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học phản ánh quá trình phát triển về mọi mặt của tỉnh. Ở góc độ du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, công trình còn là một điểm đến của nhân dân Tuyên Quang nói riêng, cả nước nói chung và du khách quốc tế. Đặc biệt phần trưng bày nội thất và sân vườn được thiết kế theo nội dung đề cương trưng bày chi tiết, gạt bỏ sự vụn vặt, trùng lặp nhằm tạo sự hấp dẫn đối với công chúng từ hình thức bên ngoài đến các hiện vật lịch sử - văn hóa.

Bảo tàng có diện tích trưng bày 1.600 m2 được chia làm 4 phần: Gian khánh tiết và không gian trưng bày 3 chuyên đề lớn theo các chủ đề.

Gian khánh tiết bắt đầu từ không gian trưng bày trung tâm của bảo tàng, nơi bắt đầu hành trình tham quan mà hình ảnh ấn tượng đầu tiên là bức phù điêu bằng gỗ có diện tích 100 m2 với lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, làng Tân Lập - Hình tượng “Thủ đô Khu giải phóng” kết hợp trưng bày ảnh phong cảnh đẹp, ảnh về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tuyên Quang.

Chủ đề 1: được bố cục thành tiểu đề về điều kiện tự nhiên - tiềm năng kinh tế tỉnh Tuyên Quang và tiểu đề về đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang.
Chủ đề 2: trưng bày các hiện vật và nhóm hiện vật về Tuyên Quang thời kỳ tiền sử, sơ sử; lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Chủ đề 3: Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với cách trưng bày hiện vật, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không gian đẹp, bảo tàng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử đến tìm hiểu. Đặc biệt, Bảo tàng đang trưng bày di cốt hóa thạch của người nguyên thủy cách nay khoảng 12.000 năm, còn tương đối nguyên vẹn. Di cốt được khai quật tại hang Phia Vài (Nà Hang). Điều đặc biệt ở di cốt này là cách táng thức độc đáo với 2 con ốc biển được đặt vào hai hốc mắt. Cùng với di cốt người nguyên thủy là chiếc ấm đầu người mình chim thời nhà Lý (thế kỷ thứ XI, XII) và 2 trống đồng Hê gen loại 1.

Sự đa dạng, phong phú, độc đáo về hiện vật và nhóm hiện vật, Bảo tàng Tuyên Quang được đánh giá có quy mô và số lượng hiện vật lớn trong hệ thống bảo tàng ở nước ta. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn, cuốn hút người xem.

Đồng thời với các hoạt động trưng bày, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cũng đã kiểm kê được 426 di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ 7 Di sản đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, kế hoạch trưng bày bảo tàng tỉnh và một số Dự án nhằm sưu tầm, bảo quản, phục chế tài liệu, hiện vật…tổ chức điều tra thám sát, khai quật khảo cổ 30 di chỉ, tổ chức thực hiện Dự án phục dựng Di tích Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, trưng bày các hiện vật phục vụ nhân dân và du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng, góp phần giữ gìn, bảo quản và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, Bảo tàng Tuyên Quang đang lưu giữ hồ sơ và quản lý 376 trong tổng số gần 560 di tích trên địa bàn Tuyên Quang, trong đó có 93 di tích quốc gia và 189 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, trong 30 năm qua, Bảo tàng Tuyên Quang đã sưu tầm, lưu giữ, bảo quản 21.500 tài liệu, hiện vật, trong đó có 14.000 hiện vật; xây dựng được 11 sưu tập, hiện vật, 90% tài liệu hiện vật được kiểm kê khoa học; đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 1 hiện vật là bảo vật quốc gia; lập hồ sơ công nhận 1 cây Di sản Việt Nam.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã công bố và trao Quyết định của UBND tỉnh xếp hạng Bảo tàng hạng II cho Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành

Quảng trường Nguyễn Tất Thành được xây dựng tại trung tâm thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Công trình được khánh thành ngày 19/5/2015, đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân Tuyên Quang, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần đoàn kết, niềm tự hào của nhân dân tỉnh Tuyên Quang đối với công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi khánh thành đến nay Quảng trường Nguyễn Tất Thành đã trở thành điểm nhấn của của trung tâm thành phố với không gian an toàn, thoáng mát, là điểm vui chơi, thư giãn lành mạnh của các tầng lớp nhân dân Tuyên Quang.
Hàng năm, Quảng trường Nguyễn Tất Thành thu hút khoảng trên 100 nghìn lượt người đến tham quan, dâng hương, báo công và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí; đặc biệt thu hút lượng khách vào những dịp Lễ, Tết hay sự kiện chính trị, văn hóa – xã hội lớn của tỉnh, đất nước.

Tháng 8 âm lịch hàng năm, Quảng trường Nguyễn Tất Thành vinh dự được chọn là nơi tổ chức Đêm hội Trung thu – một trong những nội dung chương trình của Lễ hội Thành Tuyên. Lễ hội này đã đc kỷ lục Guiness xác lập: Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”. Đây là đêm hội độc đáo, là nét đẹp văn hóa riêng có của quê hương Tuyên Quang.

Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là các trường Mầm non (Phan Thiết, Tân Trào, Ỷ La, Tràng Đà, Lưỡng Vượng…), ngoài việc học tập trên lớp, nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành cho học sinh. Các hoạt động ngoại khóa này, không chỉ giúp các em được học tập, vui chơi, mà thông qua đó các em còn được trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”“Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa – xã hội lớn, Quảng trường Nguyễn Tất Thành còn là nơi tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi dành cho trẻ em. Dịch vụ trò chơi này được tổ chức chủ yếu vào khung giờ (17 – 22 giờ hàng ngày). Các loại hình trò chơi rất phong phú, đa dạng như: ô tô điện, xe máy điện, nhà cát, tô tượng, câu cá… nên thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đến tham gia, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Thành nhà Mạc

Thành nhà Mạc (Thành Tuyên Quang) nằm trên địa phận tổ 8, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Thành được xây dựng từ năm 1552, thời nhà Mạc và được sửa chữa vào thời đầu nhà Nguyễn (thế kỷ XIX).
 Thành có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ trên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thủy bộ thuận lợi, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Tuyên Quang.
 Thành cổ Tuyên Quang là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang, từ cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan chống thực dân Pháp năm 1884, đến khí thế vũ bão sục sôi những ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 lịch sử, buộc phát - xít Nhật phải đầu hàng, giải phóng hoàn toàn thị xã Tuyên Quang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thành cổ Tuyên Quang hai lần chứng kiến thất bại của quân Pháp vào năm 1947 và năm 1949.
 Ngày 20/3/1961, lần đầu tiên kể từ khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển về Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vinh dự được đón Bác Hồ về thăm lại quê hương cách mạng Tuyên Quang. Người đã có buổi nói chuyện với toàn thể nhân dân ở sân vận động (nay là Quảng trường Nguyễn Tất Thành) phía bắc núi Thổ Sơn ngay trong thành cổ.
 Thành cổ Tuyên Quang còn khá nguyên vẹn cho đến cuối thế kỷ XX, trong quá trình xây dựng, phát triển của thành phố Tuyên Quang, một số trục đường của thành phố chạy qua vị trí thành cổ nên hiện nay thành cổ Tuyên Quang bị chia cắt, nhiều đoạn tường thành không còn. Hiện còn lại hai cổng thành phía bắc và phía tây. Đoạn tường thành còn lại duy nhất nằm trên góc đường Bình Thuận và Cổng Lấp, dài hơn 140m. Cho đến nay Thành cổ Tuyên Quang là biểu tượng của lịch sử vùng đất Tuyên Quang và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Chùa An Vinh

Chùa An Vinh tọa lạc trên quả đồi thuộc tổ 7 phường Hưng Thành (thành phố Tuyên Quang), trong khuôn viên 1.000m2. Chùa có tên chữ là “An Vinh Thiền tự”, xây dựng khoảng đầu thế kỷ XVIII. Tam quan chùa với ba cổng và 4 trụ biểu, có kì lân ngự trên, trạm khắc tùng, trúc, cúc, mai… Hiện nay, Thượng Điện của chùa còn lưu giữ 13 pho tượng cổ, hai chuông đồng và một khánh. Đặc biệt, chùa có hai văn bia đá được khắc vào năm Vĩnh Thịnh (1720) đời vua Lê Dụ Tông và tấm bia đá khắc năm 1720. Chùa có nhà tháp thờ: Đức Tiền Sư, Thích Tâm Quang, Thích Thanh Tụng. 

Chùa Hang

Lễ hội chùa Hang (hay còn gọi là chùa Hương Nghiêm) thuộc xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm. Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI, xây dựng năm 1537 thời Mạc Đăng Doanh trong một hang núi đá. Chùa còn lưu giữ tấm bia cổ khắc trên vách đá, hai pho tượng Bồ tát bằng đồng, giá đọc văn tế, hương án, mâm đồng thời Nguyễn. Chùa nằm trong núi Hương Nghiêm, thuộc thôn Phúc Lộc, trong quần thể di tích với Thành nhà Bầu, bến Bình Ca. Đây là nơi có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, mảnh đất có bề dày văn hóa với địa danh Trường Thi - nơi tổ chức thi cử của các triều đại phong kiến. Từ đầu thôn Phúc Lộc tới cuối thôn Tân Thành của xã An Khang có dãy núi mang dáng con rồng uốn lượn, núi Hương Nghiêm được ví như đầu rồng. Đây còn là nơi cất giấu, lắp ráp hai chiếc máy bay đầu tiên của không quân Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng, xã Vinh Quang (Chiêm Hoá). Chùa Hang đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Qua thời gian, chùa Hương Nghiêm không còn lưu giữ được những chứng tích lịch sử của các cuộc kháng chiến mà chỉ còn lưu giữ những hiện vật quý có giá trị như hệ thống tượng thờ, hương án…

Trước cửa chùa Hương Nghiêm có một tấm bia cổ được khắc trên vách đá ngày 27 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (năm 1537). Có chiều cao 1,25m, chiều rộng 1m. Tấm bia gồm 2 phần trán bia và thân bia, trên trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh bia được chạm văn dây đơn giản. Dưới trán bia là 4 chữ đại tự: "Hương Nghiêm tự bi" do tiến sĩ Ngô Hoằng soạn, gồm một bài ký và một bài minh ghi tên họ những người làm công đức ở 13 huyện trong nước và nhân dân xã Thúc Thủy. Căn cứ theo nội dung ghi trên văn bia thì chùa Hương Nghiêm trước đây được dựng với quy mô khá lớn còn gọi là hành cung Phạm Vương. "Hương Nghiêm tự bi" là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm ở thế kỷ 16 được phát hiện ở Tuyên Quang. Vì thế, chùa đã được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Từ mùng 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, khi mùa vụ nông nhàn, dân làng lại mở hội tế lễ cùng trò chơi dân gian, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi về tham gia lễ rước nước và lễ cầu an theo các nghi thức cổ truyền. Nước được lấy từ sông Lô rước về chùa để cúng trong ngày hội và làm lễ trong suốt cả năm. Ngoài ra, ngày mùng 1, ngày rằm hàng tháng, dân làng lại tấp nập vào chùa thắp hương lễ Phật, cầu đức Phật ban cho dân cuộc sống yên lành, mùa màng bội thu, dân khang, nước thịnh. Chùa Hang từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong và ngoài địa phương.

Tại buổi chính lễ diễn ra lễ cầu an, cầu cho quốc thái, dân an và lễ rước nước. Phần hội có các trò chơi dân gian, các môn thể thao, dân ca, dân vũ....

Chùa Linh Thông

Chùa Linh Thông “Linh Thông tự”, tọa lạc trên quả đồi thuộc tổ 10, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang. Chùa tồn tại cách đây hơn một trăm năm. Trước kia thuộc thôn Xuân Áng, xã Ỷ La, tổng Trung Môn, phủ An Sơn (Yên Sơn, Tuyên Quang). Và có tên là chùa Làng Yếng, qua quá trình hình thành và phát triển, ngôi chùa đã trải qua hai lần di chuyển và nhiều lần tôn tạo. Năm 2007, tỉnh Tuyên Quang đã có quyết định số 487/QĐ-UBND, công nhận chùa Linh Thông xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh và thành phố. Đến nay, ngôi chùa vẫn tiếp tục được tôn tạo và nâng cấp, phù hợp với nguyện vọng của tăng ni, phật tử và bách gia trăm họ.

Chùa ngự trên quả đồi cao, nên có thể trông ra tứ phía thành phố, phía Tây là cánh đồng Ỷ La vút tầm mắt; phía Bắc; Đông Bắc; Đông Nam là dòng sông Lô uốn lượn bao quanh thành phố, tạo cho phong cảnh sơn thủy hữu tình, mùa hè lên chùa, gió tứ phương thổi về lồng lộng mát mẻ thật dễ chịu vô cùng, con đường vào chùa sum suê cành lá che mát cả lòng đường bởi những lũy tre làng, những khúc cua lên chùa được đổ bê tông sạch sẽ, thoãng đãng, du khách đến chùa bắt gặp ngay Cổng tam quan sừng sững, nguy nga tráng lệ, vẫn còn mùi ngai ngái hương sơn, cây ngọc lan xẻ đôi cành đứng sừng sững giữa sân chùa, xòe hoa trắng ngần toả hương thơm ngát cả vùng chùa.
Trước cổng chùa, bên cánh hữu có pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng nghiêm trang niệm phật. Bên cánh tả chùa là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, sừng sững, uy nghiêm, kế tiếp là ban thờ Mẫu Thượng Thiên và Sơn Thần bản thổ. Ngay cạnh đó là hòn non bộ rất đẹp mắt, làn nước trong xanh có cụ rùa đá rất linh thiêng không biết được tạc từ bao giờ.
Chuyện xưa kể rằng, ngày xưa có một vị hay chơi đồ cổ, mua được  của một người dân, mà không biết rằng đây là rùa canh giữ đền chùa. Từ ngày mua được cụ rùa, gia đình người ấy, không lúc nào được yên ổn, hay xẩy ra những mâu thuẫn gia đình, dòng họ, làng xóm láng giềng. Sau đó, có người mách bảo, đó là cụ rùa thần, trời phái xuống hạ giới coi đền chùa đấy! Thế là ông vội mang cụ rùa lên gửi ở nhà chùa Linh Thông này. Từ đó, gia đạo của người buôn đồ cổ được yên ấm, làm ăn cũng phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân an vật thịnh, mà chùa cũng thu hút được đông đảo du khách thập phương đến thưởng ngoạn, công đức, cầu bình an rất linh thiêng.

Đền cây xanh

Còn gọi là Đền Cây Xanh, ngự trong khuôn viên khoảng 600 mét vuông, cách quảng trường Nguyễn Tất Thành khoảng 500 mét. Đền Cảnh Xanh, thuộc tổ 27, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đền Cảnh Sanh còn thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Bà chúa cai quản núi rừng. Phong cảnh của đền kỳ thú và trang nghiêm, có cây sanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi uy nghi, tuyệt mỹ. Hàng năm có rất đông du khách thập phương về đây chiêm bái, nhất là vào dịp lễ Thượng nguyên 11-12 tháng Giêng (âm lịch). 

Đền Cấm

Đền Cấm là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn hay còn gọi là Bà chúa Sơn Lâm trong tín ngưỡng thờ đạo Mẫu Việt Nam, đền thuộc xóm 16, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang), nằm trên nền đất cao, không gian thoáng đãng, phía sau tựa lưng vào núi Cấm. Núi Cấm là một trong những dải núi trùng điệp chạy dài qua Tân Long, Ba Xứ (xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn), trên cao có “cổng trời” là một thắng cảnh được nhiều du khách biết đến. Từ lưng núi, một con suối nước trong veo, len lỏi qua những triền đá dốc, đêm ngày không ngơi đổ xuống sau đền làm cho cảnh sắc càng thêm kỳ thú. Từ một ngôi miếu nhỏ, qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp nay đền Cấm có kiến trúc khang trang theo lối nội công ngoại quốc với đền thờ chính đặt ở vị trí trung tâm, hai bên phải trái là cung chầu bà và cung sơn trang.
Hằng năm, đền có các ngày lễ: Ngày mùng 10 tháng Giêng là lễ Thượng Nguyên, giải hạn; ngày mùng 2 tháng Năm, ngày Bà Chúa bản đền mở tiệc; ngày mùng 10 tháng Tư lễ vào hè (cầu mát); ngày 16 tháng Hai và 16 tháng Bảy lễ rước mẫu hoàn cung.

Đền Hạ

Đền Hạ là công trình kiến trúc có tuổi đời từ rất lâu thuộc thôn Hiệp Thuận của xã Ỷ La. Trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, đền Hạ đã được đổi tên rất nhiều lần. Vào thời Lý ngôi đền này có tên là đền Tam Kỳ, chuyển sang đời Trần với tên gọi là đền Hiệp Thuận và cho tới đời hậu Lê mới được đặt tên là đền Hạ.

Đây là một trong những ngôi đền rất nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Ngôi đền này được thiết kế và chạm khắc bằng gỗ rất tinh xảo. Đền là nơi thờ phụng Mẫu Thượng ngàn công chúa Phương Dung, con vua Hùng. 

Câu chuyện tương truyền về đền Hạ Tuyên Quang có lưu truyền lại rằng. Xưa kia, nhà vua có cử hai công chúa đi thị sát các phong tục tập quán của các địa phương. Khi tới bến Tam Cờ, hai công chúa gặp cơn giông tố lúc đêm nên đã bay về trời. Do đó, cứ mỗi khi có mưa to gió lớn, người dân nơi đây lại cầu nguyện xin bình an và thấy rất linh ứng lời cầu nguyện. Từ đó, người dân đã lập đền thờ.

Đền Hạ được xây dựng từ những năm 1738 và cho tới năm 1878 mới được trùng tu và sửa chữa lại. Nam 1991, đền Hạ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cổ vô cùng đặc sắc của tỉnh Tuyên Quang. Hàng năm lượng du khách thập phương tới đây vãn cảnh chùa rất đông. Chính vì vậy, đền Hạ ở Tuyên Quang là một trong những địa điểm du lịch tâm linh Tuyên Quang nổi tiếng được rất nhiều người biết tới.

Đền mẫu Ỷ La

Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang theo Quốc lộ 2 (Tuyên Quang - Hà Giang) đến km4 rẽ trái vào đường làng Tiên Lũng khoảng 100 m là đến đền Mẫu Ỷ La. Đền Mẫu Ỷ La thuộc tổ 4, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Đền là nơi thờ đức thánh Mẫu Thượng Thiên cùng các vị thần linh trong Đạo thờ Mẫu Việt Nam

Đền Mẫu Ỷ La, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) được xây dựng năm 1743, theo kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau nhiều lần trùng tu, đền hiện còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật quý hiếm có niên đại từ giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đền Mẫu Ỷ La là một di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Hiện nay, đền Mẫu Ỷ La đã trở thành một trong những điểm du lịch của thành phố để du khách thập phương đến thăm viếng, lễ đền tỏ lòng thành kính. 

Đền mỏ than

Đền Mỏ Than (Sơn Thám Linh Từ) thuộc tổ 35, phường Minh Xuân (thành phố Tuyên Quang). Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền được dựng trên lưng chừng núi. Khi chưa dựng đền, đây là mỏ than thực dân Pháp bắt dân ta khai thác nhưng do sự cố đã làm sập hầm. Hàng chục con người đã bị chôn vùi dưới mỏ này. Nhân dân quan niệm rằng việc khai thác đó đã động tới lãnh địa của chúa rừng xanh nên đã lập ngôi đền này tại đây. Ngày lễ của đền gồm: Lễ Đón xuân (từ mùng Một đến mùng Ba tháng Giêng); Lễ Khai bút (mùng 6 tháng Giêng) Lễ Thượng Nguyên (11-12 tháng Giêng), Lễ Tất Niên (mùng 9 tháng Chạp), ngoài ra còn một số ngày lễ khác. Mỏ Than cũng là một trong những ngôi đền thu hút đông đảo du khách thập phương

ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN YÊN SƠN

An Toàn khu Kim Quan

An toàn khu (ATK) Kim Quan là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng, Văn phòng Chính phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954.

Đầu năm 1953, Tiểu đoàn Công binh 333 (nay là Lữ đoàn Công binh 239) do đồng chí Lê Trung Ngôn phụ trách đã lên ATK Kim Quan dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan Trung ương. Cuối năm 1953, một bộ phận của văn phòng Trung ương Đảng, Chính Phủ đã chuyển từ văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ lên ở và làm việc tại đây. Đầu năm 1954, Bác Hồ cũng chuyển lên Kim Quan. Để đảm bảo an toàn bí mật cho Bác, Trung ương Đảng và Chính Phủ, binh chủng công binh đã đào 3 căn hầm bí mật vào sâu trong lòng núi Nà Lơi. Các căn hầm đều được ốp gỗ 3 mặt, câu móc với nhau bằng đinh đỉa chắc chắn.

Lán và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đào sâu 15m trong lòng núi Nà Lơi. Cạnh hầm là lán ở và làm việc của Bác, được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi.

Trong thời gian làm việc tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng như: phiên họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về việc chuẩn bị tham dự hội nghị Giơnevơ và về các vấn đề quân sự, ngân sách, cải cách ruộng đất (15/3/1954); tiếp nhà báo Ôxtrâylia W.Bơcsét (tháng 4/1954); cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chủ trương đàm phán ở hội nghị Giơnevơ (tháng 5/1954); tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Liên Xô Rôman Cácmen (tháng 7/1954)... Thông qua các phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ hoạch định đường lối kháng chiến mà còn cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp phê duyệt kế hoạch tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, trong đó đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Bên cạnh đó, thời gian này, Người cũng đã chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh, ban hành luật cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng, thúc đẩy kháng chiến nhanh chóng giành thắng lợi.

Tại Kim Quan, những lúc rảnh rỗi, Bác Hồ thường đi câu cá, làm thơ, viết bài đăng trên báo Cứu Quốc và báo Nhân Dân với các bài báo tiêu biểu như: Thi đua sản xuất ích nước lợi nhà, Đội thanh niên xung phong…

Hầm an toàn của Trung ương Đảng

Cách hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng 1km là hầm an toàn của Trung ương Đảng. Hầm được đào sâu vào lòng núi 60m, phía trước cửa hầm, qua một con ngòi nhỏ là hội trường Trung ương Đảng, nhà ở và làm việc của cán bộ văn phòng Trung ương Đảng và các ban của Đảng với khoảng 40 người.

Tại đây, Chính phủ, Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức nhiều cuộc họp quyết định những vấn đề quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như: Bộ Chính trị họp về giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất (ngày 12/12/1953 và từ ngày 15 - 16/1/1954); Bộ Chính trị họp và ra nghị quyết "tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, thắng chắc, đề cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ" (ngày 19/4/1954); Hội đồng Chính phủ họp bàn về các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế (từ ngày 15 - 16/5/1954); Ban chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần 6 (khóa 2) mở rộng quyết định chuyển cách mạng nước ta từ "kháng chiến đến cùng" sang giai đoạn mới, thực hiện khẩu hiệu hòa bình "thống nhất độc lập dân chủ" (từ ngày 16 - 18/7/1954).

Hầm an toàn của Chính phủ

Hầm được đào sâu vào lòng núi khoảng 40m. Từ căn hầm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đoàn đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ đã đến trụ sở cố vấn Trung Quốc tại Nà Ho (xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông La Quý Ba và ông Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn cố vấn quân sự, chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam. Đầu tháng 3/1954, sau cuộc họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về việc tham dự hội nghị Giơnevơ, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên đường sang thành phố Giơnevơ (Thụy Sỹ) dự hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngoài ra, trong cụm di tích ATK Kim Quan còn có di tích Văn phòng Tổng Bí thư - nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và cán bộ, nhân viên văn phòng Trung ương Đảng; di tích Ban Tổ chức Trung ương - nơi Ban Tổ chức Trung ương ở, làm việc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954. 

Khu di tích lịch sử cách mạng Lào

Khu di tích lịch sử cách mạng Lào thuộc thôn làng Ngòi và thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, từ năm 1950 - 1951 là nơi ở, làm việc của cán bộ lãnh đạo cách mạng Lào - Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏnphônvihẳn và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào. Nơi đây ghi dấu mối quan hệ hữu nghị giữa cách mạng Lào với cách mạng Việt Nam được xây dựng từ những mối quan hệ lịch sử, địa lý và tình cảm cách mạng đặc biệt. Cuối tháng 12/1950, Bác Hồ đã đến thăm Hoàng thân Xuphanuvông, hội đàm với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào về xây dựng Đảng Mác-Lênin chân chính ở Lào...
Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng của khu di tích cách mạng Lào, năm 1991, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng là di tích quốc gia. Khu di tích cách mạng Lào đã được phục hồi, bảo tồn, tôn tạo bao gồm nhà ở, làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông, nhà bia tổng thể, các bia sự kiện và đường nội bộ trong khu di tích.

Chùa Phật Lâm

Di tích Chùa Phật Lâm, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII, XIV thời Trần. Đây là một trong số ít những ngôi chùa thời Lý - Trần hiện được biết đến của tỉnh Tuyên Quang có cấu trúc rõ ràng nằm trong tuyến phát triển của hệ thống Phật giáo Việt Nam ở vùng Đông Bắc nước ta.
Hằng năm, Chùa mở hội chính vào ngày mùng 09 tháng giêng âm lịch đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan du lịch.
Đến với Yên Sơn ngoài các điểm đến tiêu biểu nêu trên, du khách có thể tham quan các vườn cây ăn quả, trang trại, gia trại đẹp tại các xã Phúc Ninh, Xuân Vân, Thắng Quân, Tứ Quận, Hoàng Khai, Kim Phú và thưởng thức các đặc sản tiêu biểu của địa phương. Bên cạnh đó du khách có thể tham quan, chụp ảnh, ghi hình tại các đồi chè đẹp thuộc địa bàn xã Mỹ Bằng và xã Phú Lâm. 

ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÀM YÊN

Thắng cảnh quốc gia Động Tiên

Động Tiên là một quần thể hang động bao gồm: Động Thiên đình, động Đàn đá, động Thiên cung, động Tam cung, động Thạch sanh, động Âm phủ, thần Kim quy… một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú nằm ở địa bàn thôn 2, Thống Nhất xã Yên Phú, huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang. Động Tiên  cách trục đường quốc lộ số 2 về phía bên phải chừng 200m. Đặc điểm chung là các hang động có nhiều khối nhũ đá trông rất giống những hình hài của vạn vật trần gian như hình  Tiên Ông chơi cờ, hình Ba ba, Cá sấu, Khủng Long và hàng trăm loài muông thú từ mọi chân trời góc bể đến quần tụ về đây.Đặc biệt là  trên vòm đá cao, rộng là hình một Linh Điểu xoè đuôi cánh rộng đang cắp một nàng thiếu nữ bay vào cửa hang gợi cho du khách nhớ về câu chuyện cổ tích Thạch Sanh. Vào trong chính động, ta gặp một thạch trụ cột đá trống trời tạc trần, thạch trụ mầu sắc lung linh huyền ảo. Phía sau Thạch trụ, sừng sững khối đá cẩm thạch hình một phụ nữ đứng hình bán nguyệt. Đây là một tượng  mẹ mang thai.Vào đến vách động trong cùng, ta thấy ban thờ Tiên năm tầng. Ngự trên bàn thờ tiên là Nàng  tiên thứ bảy đang trong tư thế thành tâm cầu nguyện. Vẻ mặt ưu tư toát lên sự bao dung đôn hậu và khát vọng sống, khát vọng yêu của loài người dưới trần gian với vũ trụ bao la. Đi thăm hệ thống các hang động mọi người sẽ  từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác quý khách không khỏi trầm trồ thán phục trước nhứng khối nhũ đá hoa cương tạo thành những cột đá lấp lánh như một cung điện cổ, thưởng thức những âm thanh vang vọng trầm bổng của những cây đàn đá cất lên như  lời mời chào cuốn hút du khách vào những điệu nhạc du dương khi những luồng gió thổi vào những vách đá. Từ động Hai cửa lên đến đỉnh núi khám phá độ cao kỳ vĩ của thiên nhiên, một chút dừng chân ngắm nhìn rừng "tiểu trúc" tận hưởng làn gió mát thổi qua xào sạc. Chinh phục được đỉnh cao, du khách có dịp được chiêm ngưỡng "Rùa thần", Ngài ngự trên cao, đầu hướng về phương nam, Chạm tay vào thần Kim Quy để cầu mong sự may mắn an lành đến với mọi nhà. Phóng xa tầm mắt thưởng thức sự bao la của trời đất cỏ cây ngắm nhìn vẻ đẹp thanh bình của làng quê và cầu mong những điều tốt lành trong cuộc sống.

Đền Bắc Mục

Nằm sát bờ sông lô trên địa bàn tổ dân phố Bắc Mục, thị trấn tân Yên, huyện hàm Yên, tỉnh Tuyên quang, Đền Bắc Mục- thị trấn Tân Yên. Nằm trên gò đất ngã ba sông Lô với ngòi mục, cách cầu bắc mục 30 mét, soi bóng bên bờ sông lô, Đền Bắc Mục là di tích văn hóa lịch sử lâu đời của huyện Hàm Yên. Theo tài liệu của các nhà nho ở các thế kỷ trước ghi chép để lại, cách đây gần 300 năm ( năm 1738 ) ở triều vua Vĩnh Hựu, ngôi đền được thành lập để thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, đồng thời cũng là nơi bái vọng thánh mẫu theo truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương, vì vậy đền Bắc Mục nói lên dấu tích lich sử văn hóa cùng hình bóng con người và thiên nhiên ở một vùng quê phía bắc phố huyện Hàm Yên. 

Đền Thác Cái

Nằm gần tuyến đường quốc lộ số 2 trên địa bàn xã Yên Phú, huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang. Đền  cách quần thể Động Tiên 5 km.Đền Thác Cái, có từ thế kỷ XV. Trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có tên là Tiên thiềm mẫu tử (thác cóc mẹ, cóc con). Mặt trước ngôi đền hướng về phía sông Lô, nơi có một khu đá thác lớn hiểm trở chắn ngang sông, quanh năm nước réo. Tại Thác Cái, một số thác nước lớn chảy mạnh tạo âm thanh lớn có tên là Hý tượng cảng (Thác voi rống), Tẩu mã cảng (Thác ngựa phi) để diễn tả sự dữ dội của thác.
Trong đền Thác Cái, tấm văn bia cổ trong điện thờ cũ có dòng chữ Hán: “Đại Than thủy khẩu, cảm ứng Long Mẫu nương nương thần vị”. Đại ý là: Ghềnh đá lớn cửa sông cảm ứng các vị Thần Mẫu”. Trước năm 1978, khi ngôi đền còn nguyên vẹn, trên ban thờ chính điện có một bức tượng Long Mẫu và hai bên, mỗi bên có một tượng Nương Thần bằng gỗ. Theo tục tế lễ của người dân ven sông, Long Mẫu được xem là vị thần tối thượng, trong lời khấn Nôm được gọi là Bà chúa Thượng ngàn (hay Chúa Bà). Trong bài tế đó có kèm lời phụng hai vị Nương Thần là Ngọc Nương và Phương Nương. Theo truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương, đó là Ngọc Lân công chúa và Phương Dung công chúa. Hai vị nương Thần này đã được thờ làm chính Thần ở đền Hạ và đền Thượng (TP Tuyên Quang), đã được ghi trong Đại Nam Nhất Thống chí. Như vậy, đền Thác Cái bắt nguồn từ tục thờ Mẫu của nhân dân Lạc Việt có từ xa xưa trong lịch sử.Đền Thác Cái hiện là điểm tham quan du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách thập phương, gắn với lễ hội Động Tiên, Chợ Quê Hàm Yên, lễ hội chọi trâu Hàm Yên, chợ Thụt xã Phù Lưu vào dịp đầu xuân hàng năm.
Du khách đến với đền Thác Cái để tĩnh tâm cầu phúc, cầu may, cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho mùa vàng bội thu, mong muốn cuộc sống ấm no hạnh phúc đến với con người.

ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CHIÊM HÓA

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình gồm 23 di tích ghi nhận các sự kiện lịch sử: nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), Đại hội Đảng đầu tiên tổ chức ở trong nước và ngoài thủ đô Hà Nội; nơi tổ chức Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt; Đại hội Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Căm Pu Chia; Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. 

Danh thắng quốc gia Thác Lụa

Thác Lụa nằm trong khu rừng đặc dụng thuộc thôn Thác Ca, xã Hòa Phú, cách trung tâm huyện lỵ 30 km. Thác có chiều dài 20km được tạo bởi 3 tầng thác chính và các tầng thác nhỏ mềm mại như dải lụa trắng giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. đến đây du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ bí của rừng già với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đến nay, danh thắng vẫn giữ được một vẻ đẹp nguyên sơ, hấp dẫn.

Khu du lịch Thác bản Ba

Là Danh thắng Quốc gia cách trung tâm huyện lỵ 25 km. Thác có vẻ đẹp độc đáo bởi chuỗi thác liên hoàn với ba tầng thác lớn cùng đổ nước thẳng đứng ở độ cao 1.000m và điểm thêm nhiều dòng thác nhỏ mềm mại như dải lụa trắng tỏa rộng ra xung quanh. Hai bên dòng thác là cánh rừng nguyên sinh đại ngàn trải dài như vô tận, nơi đây có thảm động thực vật phong phú và đa dạng sinh học với nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ của Việt Nam và thế giới.

Thác Bản Ba có ba tầng thác. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, là tầng thác có dáng vẻ hùng vĩ và thơ mộng nhất. Chân thác là “vực rồng” (tiếng Tày gọi là “vằng tạng” hay “vằng luồng”), nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn, có mạch nước ngầm phun ra giống hình tượng rồng phun nước hòa với ánh sáng mặt trời tạo ra 7 sắc cầu vồng lung linh kỳ ảo.

Tầng thác thứ 2 có tên gọi là Thác Cao, là tầng thác được chia làm hai nhánh đổ xuống trông như hai dải lụa trắng tung bay trong không gian giữa núi rừng. Dưới chân thác có một vực nước trong xanh có tên là “vực quyên”, du khách có thể đắm mình dưới vùng nước trong xanh và mát mẻ. Trên bờ của tầng thác này có những phiến đá trông như hình rồng uốn mình nằm phục trên bờ tạo nên vẻ hoang sơ, kỳ vĩ mà hấp dẫn đến lạ thường.

Tầng thác thứ 3 chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên gọi là Vực Linh (vực linh thiêng). Tại đây du khách có thể đắm mình xuống dòng nước trong xanh và mát dịu, lắng nghe âm thanh của dòng thác đổ và tiếng hót của các loài chim rừng... 
   Năm 2007, huyện Chiêm Hóa đã đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia thắng cảnh Bản Ba và đã khai trương điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba. Hiện nay, điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba đã được đầu tư xây dựng với các hạng mục mang bản sắc đồng bào dân tộc vùng cao. Đến với Bản Ba, du khách sẽ được thăm các thắng cảnh tuyệt đẹp của dòng thác bạc. Đồng thời du khách được thưởng thức nhiều món đặc sản của đất Tuyên Quang với thịt chua, mắm cá ruộng, xôi ngũ sắc, cơm lam chấm muối vừng, sắn nướng... Tham gia các hoạt động đốt lửa trại, giao lưu với đồng bào dân tộc ở địa phương và tham gia nhiều trò chơi truyền thống như tung còn, đẩy gậy, kéo co...
   Phong cảnh hoang sơ với hệ sinh thái là những cánh rừng cổ thụ vài trăm năm tuổi, thảm thực vật phong phú, dòng thác đổ xuống tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Dưới chân thác nước là những cánh đồng tốt tươi quanh năm. Tất cả đã tạo cho thác Bản Ba một vẻ đẹp nguyên sơ và đầy thơ mộng. 
   Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Chiêm Hoá, thác Bản Ba trong tương lai không xa sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc

Là ngôi chùa cổ nhất Tuyên Quang được dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức), chùa thờ phụng đức Phật tổ, tổ tiên và Lý Nhân Tông. Tại đây còn lưu giữ một hiện vật rất quý thời Lý đó là tấm bia đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối, tấm bia được công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2013.

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng ở nơi địa thế cao ráo, xung quanh cây cối tươi tốt, xanh rợp bóng tạo bầu không khí thanh bình nhưng không kém phần trang nghiêm khi đến với chùa. Gần 1.000 năm qua, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc gắn bó với mảnh đất Yên Nguyên, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, của xã, trở thành một “chốn thiêng” không thể thiếu trong lòng những người dân của mảnh đất này. Những ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng, đông đảo nhân dân và du khách thập phương về đây chiêm bái

Đặc biệt, dịp lễ hội chùa vào tháng 4 âm lịch hàng năm đã trở thành một điểm hẹn hấp dẫn. Trong dịp này, bên cạnh phần nghi lễ trang nghiêm, phần hội được tổ chức với các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, tổ chức giao lưu thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian...tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần động viên, khích lệ nhân dân trên địa bàn xã hăng say lao động sản xuất.

Tại ngôi chùa này, hiện còn đang lưu giữ một Bảo vật quốc gia có ý nghĩa và giá trị lịch sử vô cùng to lớn đó là bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, tài liệu thành văn cổ nhất phát hiện được trên đất Tuyên Quang và là một trong số rất ít các di vật thời Lý còn được nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Tấm bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối, bia được đặt trên lưng một con rùa đá. Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi” nghĩa là bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Văn bia khắc kín phần thân bia. Hai góc của trán bia có khắc hình hai con rồng chầu lên chữ “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Hình tượng hai con rồng chầu bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về kích thước và kiểu dáng. Làm nền cho hình tượng con rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S biểu hiện ý niệm về mây mưa, sấm chớp cầu mong mưa thuận gió hòa. Bia Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc cũng là minh chứng cho sự giao lưu văn hóa rộng rãi giữa miền núi với miền xuôi, là nguồn tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của mảnh đất Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến tập quyền.

Hiện nay, bên cạnh tấm bia cổ có thêm tấm bia mới, nội dung văn bia chính là nội dung tấm bia cổ được dịch ra chữ quốc ngữ để tiện cho du khách tham quan, tìm hiểu.

Trải qua thăng trầm của nghìn năm lịch sử, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng nền chùa xưa vẫn còn đó cùng với những cổ vật quý giá còn sót lại đã trở thành tư liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu. Ngôi chùa cùng với tấm bia được công nhận Bảo vật quốc gia, mãi là niềm tự hào của người dân xứ Tuyên

ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NA HANG

Du lịch lòng hồ thủy điện Na hang

Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng non nước hữu tình rộng với hơn 8.000ha mặt nước, 99 ngọn núi hùng vĩ, được ví là như Hạ Long cạn giữa đại ngàn.

Các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ đã được hình thành từ lâu nhưng Na Hang vẫn giữ được vẻ hoang sơ vốn có của nó. Nếu đi thuyền vãn cảnh hồ thủy điện Tuyên Quang (với chiều dài khoảng 70km), khách du lịch sẽ có sáu giờ đồng hồ đắm mình với thiên nhiên sông nước và núi rừng, được tìm hiểu về từng sự tích gắn với mỗi địa danh nơi đây.

Ruộng Bậc thang Hồng Thái

Ngoài lòng hồ thủy điện, huyện xác định xã Hồng Thái là trọng điểm du lịch của huyện. Cách thị trấn huyện lỵ gần 50 km, xã vùng cao Hồng Thái nằm chon von trên các đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Đến Hồng Thái vào khoảng cuối tháng 9, du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ruộng bậc thang thôn Khau Tràng, Nà Kiếm, Bản Muông, Hồng Ba, Nà Mụ, Pác Khoang, Khuổi Phầy.

Từng dải sóng lúa óng vàng uốn lượn bên sườn non làm mê hoặc lòng người. Du khách phóng tầm mắt xa xa, vượt đỉnh núi cao bên kia là các xã Cổ Linh, Công Bằng, Cao Tân, huyện Pắc Nậm của tỉnh Bắc Kạn. Đứng ở địa danh có độ cao 1.287 m so với mặt nước biển, ai cũng có cảm giác lâng lâng như con người, thiên nhiên hòa vào đất trời bao la. 

Ông Đặng Đức Toàn, dân tộc Dao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thái phấn khởi cho biết, xã rộng trên 1.600 ha, nhưng chỉ có 312 hộ với 1.564 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào Dao, Mông sinh sống ở 7 thôn. Tuy số dân ít hơn các xã khác trong vùng, nhưng bà con ở khá tập trung thành làng bản với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng rất phong phú. Một thuận lợi nữa của xã là chỉ cách các xã Yên Hoa, Đà Vị - trung tâm kinh tế khu C của huyện khoảng 9 đến hơn 10 km.

Xã có trên 60 ha chè Shan, 26 ha cây lê đặc sản và nhiều loại rau xứ lạnh khác. Hiện nay, xã đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón du khách đến với Lễ hội ruộng bậc thang Hồng Thái. Cán bộ xã đang đi rà soát các hộ có đủ điều kiện cho khách ở homestay, tuyên truyền bà con giữ gìn cảnh quan, môi trường sạch đẹp. Trong lễ hội dự kiến sẽ có các hoạt động như: Văn nghệ quần chúng, thi xe đạp tay ngang, thi hái lê, hái chè Shan…

Ngắm nhìn các dãy núi cao, nhất là vào buổi sáng mây giăng kín, mây sà xuống thung lũng nơi có các bản người Dao, người Mông sinh sống quần tụ. Không biết từ bao giờ con người, phong cảnh Hồng Thái đã mê hoặc bước chân du khách. Cứ đến mùa lúa chín, những nhiếp ảnh gia, khách du lịch trong và ngoài tỉnh lại vất vả lặn lội hàng trăm km đến với phong cảnh ruộng bậc thang Hồng Thái.

Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Hà Thế Đô, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho rằng, việc huyện tổ chức Lễ hội ruộng bậc thang Hồng Thái - điểm nhấn cho Ngày hội văn hóa du lịch vùng cao Na Hang là rất cần thiết. Từ đây sẽ tạo ra các tour tuyến du lịch mới, thu hút nhiều du khách về với Na Hang nói chung và Hồng Thái nói riêng. Lễ hội còn là cơ hội tốt cho các nhiếp ảnh gia chụp những khuôn hình đẹp nhất, quảng bá mạnh mẽ cho mảnh đất, con người vùng cao nơi đây.

Đang dọn dẹp nhà cửa để làm dịch vụ du lịch homestay, ông Bàn Văn Tỉnh, thôn Khau Tràng chia sẻ, nhân dân rất ủng hộ chủ trương của huyện, xã. Gia đình ông đã nhiều lần đón khách du lịch trong và ngoài nước để ở homestay. Nhưng đây là một lễ hội lớn, lượng người đông nên gia đình ông và các gia đình trong thôn phải chuẩn bị thật chu đáo. Việc gặt lúa cũng được sự chỉ đạo thống nhất của cán bộ xã, để du khách có thể trải nghiệm cùng người dân.

Có thể đây sẽ là năm đầu tiên chuỗi hoạt động của Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 được kéo dài và lan tỏa ra các huyện. Như vậy tour du lịch khép kín trong tỉnh sẽ giúp du khách tận hưởng trọn vẹn cảnh sắc và con người xứ Tuyên.  

Thác Mơ Na Hang

Cách thị xã Tuyên Quang 100 km, thác Mơ nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang. Lối vào thác là con đường rải nhựa ngoằn ngoèo chạy dưới tán rừng nguyên sinh. Từ hồ nước trong xanh vời vợi trên đỉnh núi Pắc Ban, từng ngọn thác mềm mại, trắng xoá đổ xuống chân núi.

Thác nước hùng vĩ phối hợp với khung cảnh núi rừng trùng điệp đang chờ đón những du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm. Đường vào thác Mơ tương đối thuận tiện. Từ xa đã nghe thấy tiếng nước đổ ào ào. Càng đến gần thác, khí hậu càng lạnh. Tới thác, du khách dường như đang bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thác ẩn dưới chân ngọn núi mà dưới đó là một hồ nước trong veo. Du khách sẽ lên một con xuồng nhỏ để tới thác. Ngồi trên xuồng, du khách được dịp thư giãn, thoả sức ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên "núi ôm mây, mây ấp núi".

Dưới chân núi là hồ nước trong veo, lung linh tựa bức tranh thiên nhiên ba chiều. Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, du khách sẽ được thoả sức ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ của núi non, mây trời. Nhìn từ dưới lên, thác nước như một chiếc thang mây trắng xoá bồng bềnh. Thác thứ nhất nước đổ dữ dội, tung bọt trắng xoá. Thác thứ hai êm dịu hơn, nước chảy thành chùm len qua từng kẽ đá.

Dưới chân thác là một hồ nước nhỏ trong vắt. Nếu du khách thích mạo hiểm có thể lặn ngụp dưới đáy hồ để chiêm ngưỡng những hang động kỳ ảo với những nhũ đá đủ các hình thù. Thác thứ ba là ngọn thác cao nhất trong quần thể thác Mơ. Nước từ trên cao dội xuống như một máng nước khổng lồ. Hơi nước và hơi đá toát ra vẻ lành lạnh sẽ xua tan mệt mỏi, tạo hưng phấn cho du khách tiếp tục chinh phục đỉnh núi.

Lần theo từng nút thang dây vịn vào đá, bạn sẽ lên đến được đỉnh thác. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ nhìn thấy thị trấn Nà Hang với 99 ngọn núi trùng điệp bao quanh. Du khách cũng có thể tản ra đi dạo trong những cánh rừng nguyên sinh, bước trên chiếc thảm lá khổng lồ, ngắm nhìn những cây sến, táu, lát to đến vài người ôm.

Tản bộ vào khu rừng nguyên sinh để khám phá những điều kỳ diệu ở nơi đây. Tiếng thác nước ào ào, tiếng chim kêu vượn hú, ánh nắng bàng bạc xụyên qua tán lá rừng rậm rạp khiến cho du khách như được sống lại thời tiền sử.

Vách đá Nàng Tiên Chú Khách

Núi “Nàng tiên”: trên vách núi in rõ hình ảnh đôi nam nữ đứng cầu mong sự giúp đỡ. Sự tích ngọn núi này kể về một cô gái đẹp dệt vải giỏi và người yêu của cô nói dối Ngọc nữ để được đón lên trời dệt vải. Rồi cũng vì thói gian dối mà khi họ chưa về đến hạ giới đã bị thần thu phép thuật. Họ mắc lại giữa chơi vơi đất trời.

Đền Pác Tạ

Núi Pắc Tạ là ngọn núi cao nhất huyện Nà Hang - Tuyên Quang. Núi có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu. Sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang, núi Pắc Tạ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ, du khách sáng tác thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh. Dưới chân núi Pắc Tạ còn dấu tích một ngôi đền cổ. Đền Pắc Tạ là nơi thờ phụng và tưởng nhớ vị hôn thê của Tướng quân Trần Nhật Duật.

Di tích đền Pác Tạ là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285: vị tướng tài giỏi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lúc đó đương trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã khôn khéo chỉ huy quân chống giặc từ Vân Nam xuống. Theo những tư liệu lịch sử cho thấy, ngôi đền Pác Tạ được dựng lên bên Gâm giang dưới ngọn Tạ sơn để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.

ình ảnh về vị hôn phu của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã được người dân nơi đây khoác lên tấm áo truyền thuyết ly kỳ lưu truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thuyết kể lại rằng: Trong thời gian trấn thủ vùng đất Tuyên Quang xưa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã đem lòng ái mộ con gái một viên tù trưởng địa phương. Cô thiếu nữ miền sơn cước tài mạo, xinh đẹp, tính tình hiền thục lại xuất thân trong một gia đình hiếu học. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông, Triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho Tướng quân Trần Nhật Duật với ái nữ xứ Tuyên. Trên đường đón vị hôn phu của Tướng quân họ Trần về Kinh đô, qua đây gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật. Người vợ trẻ của Trần Nhật Duật và cả đoàn tùy tùng bị chìm dưới dòng sông. Đã mấy ngày trôi qua, mà thân xác bà vẫn chưa được tìm thấy. Cảm thương trước tình cảnh của bà, Triều đình đã ra lệnh cho toàn dân đôi bờ sông Gâm tổ chức tìm vớt thi thể bà và trọng thưởng cho ai tìm thấy. Khi đó có người trong dòng họ Ma đã vớt được thi thể bà. Để tưởng nhớ người vợ trẻ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, những người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác.

Đền Pắc Tạ nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Pắc Tạ. Cửa đền quay hướng Nam trông ra dòng sông Gâm. Ban đầu, đền Pắc Tạ nằm trên một doi đất bên hữu ngạn sông Năng phía đối diện với vị trí hiện tại. Đền được dựng với kết cấu 3 gian 2 chái bằng tranh, tre, nứa, lá. Nhưng có một hôm, trời nổi cơn giông lớn, mái đền bị gió cuốn bay qua sông sang rẻo đất cao đối diện, dưới chân núi Pắc Tạ ngày nay. Người dân địa phương cho rằng đây là ý muốn của Thánh Mẫu nên từ đó, ngôi đền được dựng dưới ngọn núi Pắc Tạ. Ngày nay, núi Pắc Tạ và đền Pắc Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế khi đến Na Hang.

Sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người miền sơn cước tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đây là ngôi đền thiêng, dân thập phương qua đây buôn bán lâm thổ sản quý hiếm đều dừng thuyền thắp hương cầu nguyện được như ý. Ngày nay, cùng với núi Pắc Tạ , đền Pắc Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang

Là công trình trọng điểm của đất nước, nhà máy đang trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ đối với khách du lịch Na hang. Một lần được ghé thăm nơi đây, chắc chắn du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ của những con đập nhân tạo giữ chập chùng non ngàn.
Nhà máy thủ điện Tuyên Quang (hay còn gọi là nhà máy Thủy điện Na Hang) tọa lạch trên lưu vực sông Gâm, thuộc xã Vĩnh Yên (cũ) huyện Na hang, tỉnh Tuyên Quang.
Nhà máy thủy điện Tuyên Quang chính thức hòa vào mạng lưới điện quốc gia từ năm 2008. Trải qua 11 năm, diện mạo công trình đã và đang tô điểm cho khung cảnh miền sơn cước trở nên hấp dẫn hơn.
Với diện tích khoảng 8000 hecta mặt nước, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đã tạo nên một vùng hồ nước mênh mông trải dài trên 2 con sông Gâm & sông Năng. Công trình này không chỉ có công dụng phòng chống lũ cho Thành phố Tuyên Quang mà còn tham gia giảm lỹ vào mùa mưa, tạo nguồn cấp nước vào mùa khô cho đồng bằng sông Hồng, đồng htời tạo nên hồ Na Hang rộng lớn, giúp phát triển dịch vụ du lịch và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân nơi đây.
Các mốc thời gian xây dựng và phát triển nhà máy thủy điện Tuyên Quang:
Ngày 19/4/2002, Công trình thủy điện Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư.
Ngày 22/12/2002, bắt đầu khởi công xây dựng thủy điện Tuyên Quang.
Ngày 01/6/2007, thành lập Công ty Thủy điện Tuyên Quang theo Quyết định số 436/QĐ-EVN-HĐQT.
Ngày 31/1/2008, Tổ máy số 1 chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.
Ngày 30/5/2008, tổ máy số 2 bắt đầu hòa với lưới điện quốc gia.
Ngày 15/12/2008, tổ máy số 3 và cũng là tổ máy cuối cùng của Thủy điện Tuyên Quang đã phát điện lên lưới quốc gia.
Tháng 4/2019, Tổng Công ty Sông Đà đã hoàn thành việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang.
Tháng 10/2010, nghiệm thu và bàn giao toàn bộ Công trình nhà máy Thủy điện Tuyên Quang cho Công ty Thủy điện Tuyên Quang quản lý, vận hành.
Thời gian chuyển trụ sở làm việc từ Na Hang về thành phố Tuyên Quang: 11/4/2011
Thông số nhà máy Thủy điện Tuyên Quang:
- Chiều rộng đỉnh đập: 10m
- Mực nước dâng trung bình: 36m
- Dung tích hồ chứa nước: 2.245 tỷ m3
- Số tổ máy: 3
- Công suất thiết kế: 342MW
- Thời gian thi công: 5 năm
- Khối lượng đào đắp: 13 triệu m3 đất đá
- Đổ bê tông: 950.103 m3
- Khoan phun: 101.103 m dài
- Lắp đặt thiết bị: ~ 15.103 tấn
Nếu ghé thăm thủy điện đúng thời điểm trong năm, quý khách du lịch Na Hang sẽ được thưởng ngoạn cảnh hùng vĩ của những cột nước xả lũ của nhà máy. Còn về đêm, du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp của Thủy điện dưới ánh sáng lung linh, huyền ảo của những ngọn đền cao áp trên bầu trờ Na Hang trong veo, in bóng lấp lãnh xuống dòng sông Gâm.

Trải nghiệm ngắm hoa Lê Hồng Thái

Đã bao giờ bạn tìm hiểu về ý nghĩa của loài hoa tinh khiết này chưa? Với vẻ đẹp của từng cánh hoa tròn nhỏ, của màu sắc trắng nhẹ nhàng như thế, hoa có ý nghĩa gì?

Tượng trưng cho tình yêu mới chớm:

Hoa Lê là tượng trưng cho vẻ đẹp tự nhiên, tinh khôi và trong sáng. Là loài hoa của tình cảm chớm nở ban đầu, nhẹ nhàng mà chân thật. Trong tình yêu nếu bạn tặng hoa Lê cho đối phương sẽ là lời bộc bạch tình cảm một cách dễ thương và chân thành nhất. Là lời ngỏ tỏ tình thay cho lời nói trực tiếp. Vì thế, loài hoa Lê được dùng làm những bó hoa tình yêu để kết nối những chuyện tình đẹp.

Mùa hoa lê ở Hồng Thái (Na Hang) là mùa được nhiều người chờ đón trong năm. Những bức ảnh check-in từ vườn lê được đăng tải trên mạng xã hội những ngày gần đây đã thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng. Màu trắng tinh khôi của hoa lê bung nở giữa đại ngàn đã khiến bao người mê mẩn, để rồi đến hẹn lại lên, cứ vào mùa lê nở là họ lại thổn thức tìm về.

Chính bởi thế, Hồng Thái mùa lê nở như rộn ràng hơn. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những nhóm bạn trẻ đang thích thú tạo dáng bên nhành hoa lê chỉ với những chiếc Smartphone gọn nhẹ. Đâu đó bên những cây lê nở rộ là cảnh những thiếu nữ Dao Tiền đang chỉnh trang lại xiêm y với nụ cười tỏa nắng thu hút mọi ánh nhìn. Màu trắng tinh khôi của hoa lê hòa quyện trong sắc trắng của trang phục quần áo dân tộc tạo nên một khung cảnh đầy mơ màng, quyến rũ. Không gian như hư, như thực nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của không ít nhiếp ảnh gia và trong khoảnh khắc nào đó họ thực sự thăng hoa và có những bức ảnh đẹp đến nao lòng.

Ai đó từng nói, Hồng Thái đẹp bởi có mùa hoa lê. Điều đó cũng chẳng sai. Bởi nhịp sống thanh bình, thiên nhiên khoáng đạt và đặc biệt là vườn lê nở trắng ngần đã mê hoặc bao người lữ khách. Và có một du khách người Quảng Bình sau chuyến du hí vùng cao đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của hoa lê, để rồi viết nên vần thơ dạt dào cảm xúc:

“Dao Tiền dân tộc vùng cao
Hoa lê Hồng Thái tinh khôi 
                              trắng rừng
Dừng chân du khách ngập ngừng
Tâm hồn hòa quyện núi rừng 
                        Tuyên Quang”

Mùa hoa lê ở Hồng Thái nở hoa từ khoảng giữa tháng 1 đến trung tuần tháng 3. Những ngày này, nụ hoa lê đang e ấp chuẩn bị đón xuân sang. Đây là quãng thời gian đủ để cho những ai chưa có dịp ghé thăm mảnh đất vùng cao nhanh chóng lựa chọn tua du lịch khám phá mùa hoa lê ý nghĩa cho riêng mình.

ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LÂM BÌNH

Cọc vài (Cọc buộc trâu trời)

Đến với Cọc Vài, vùng Lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang được đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ kỳ bí, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc với vẻ đẹp và con người nơi đây, dường như mọi bộ bề của cuộc sống đều tan biến…

Bắt đầu từ bến Thượng Lâm, du khách sẽ tiếp tục hành trình bằng thuyền Kayak trên sông Gâm trong vắt, mát lạnh, cùng những cánh cung sông ngút ngàn tầm mắt…

Và thắng cảnh Cọc Vài dần hiện ra với bao niềm cảm xúc. Cọc Vài vốn là một cột đá cao hàng trăm mét nằm sâu trong vùng 99 ngọn núi đá vôi vùng Thượng Lâm (Lâm Bình- Tuyên Quang). Trước khi có nước hồ thủy điện, hiếm có ai đến được nơi này bởi địa hình quá hiểm trở. Khi nước hồ dâng lên thì việc đến thăm thắng cảnh bằng thuyền trở nên dễ dàng hơn. Đến nơi đây, du khách vừa thưởng thức cảnh đẹp, vừa được nghe câu chuyện về chàng không lồ đắp đập ngăn nước cho dân bản mà không muốn dứt ra khỏi sự nguyên sơ và kì bí đó…

Đây sẽ là một trong những điểm dừng chân thú vị nhất trong chuyến khám phá Cọc Vài, từ đây du khách sẽ có cơ hội ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo (được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng thắng cảnh quốc gia), Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung, thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát, hang Phia Vài…

Và sẽ là sự nuối tiếc nếu ai đã từng đặt chân lên Tuyên quang mà không được tận mắt nhìn ngắm và cảm nhận vẻ đẹp của Cọc Vài, tự tay chèo lái con thuyền nhỏ khám phá thiên nhiên sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị, dường như chúng ta đang bơi vào với cổ tích giữa đời thường để tận hưởng và cảm nhận được sự hùng vỹ của núi rừng, của vẻ đẹp non sông đất nước.

Động Song Long

Thắng cảnh động Song Long (Khuôn Hà) là một hang động đẹp và và có quy mô khá lớn trong vùng, Đây là hang động đẹp và lớn. Mất khoảng 3 giờ đi ca nô trên hồ thủy điện Tuyên Quang là đến được thắng cảnh động Song Long thuộc xã Khuôn Hà. Đây là hang động đẹp, có quy mô khá lớn. Động Song Long cách mặt nước hồ thủy điện trên 200m, lòng hang có chiều cao khoảng 40m, rộng khoảng 50m, sâu trên 200m, trong hang có nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, lòng hang được chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, rất hấp dẫn.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu