“Chắp cánh” thương hiệu du lịch xứ Tuyên

05/11/2021 1959 0
Phát huy vai trò xung kích, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm sáng tạo trong quảng bá ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh. Từ giới thiệu qua mạng xã hội, thành lập các mô hình homestay đến tham gia xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch... đã góp phần nâng tầm giá trị du lịch xứ Tuyên.

Tạo điểm nhấn cho du lịch

Du lịch ở vùng cao với phong cảnh đẹp, nhiều món ăn ngon... nhưng như thế là chưa đủ bởi du lịch muốn phát triển về lâu dài cần có sự đa dạng, tạo cho du khách nhiều trải nghiệm phong phú. Chính từ suy nghĩ như vậy mà nhiều người trẻ đã có những cách làm riêng để tạo những điểm nhấn đáng chú ý kết hợp với tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương.

Nhắc đến cái tên Giàng Thị Sao, nhiều người dân phố núi Na Hang không lạ lẫm gì. Mấy năm trước, người ta đã biết đến chị là một trong những thạc sỹ hiếm hoi của đồng bào dân tộc Mông trong vùng. Chị Sao học Đại học Sư phạm hẳn hoi, được nhiều nơi nhận vào làm nhưng bỗng dưng chị trở về quê để trồng dâu tây. Chị Sao bảo, đi học, đi nhiều nơi, thấy người ta phát triển du lịch mà thèm, nhiều mô hình trồng cây ăn quả, vườn hoa trở thành điểm check in lý tưởng của du khách. Chị luôn đau đáu trở về quê vì ở Na Hang quê mình có rất nhiều tiềm năng, nhiều cảnh đẹp, món ăn ngon nhưng lại thiếu những mô hình trải nghiệm để du khách được “nhập vai”.

Khách du lịch mua đồ dùng bằng tre, một sản phẩm du lịch của thanh niên huyện Lâm Bình.

Với suy nghĩ của mình, Giàng Thị Sao đã tạo dựng được một nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm, có thể làm nông dân, trồng dâu tây, thu hoạch dâu tây từ chính trang trại của mình. Du khách đến tham quan không mất gì mà chỉ mất tiền mua sản phẩm dâu tây từ nông trại của chị. Nhờ đó khi nhắc đến Na Hang, nhiều du khách đã chú ý hơn đến mảnh đất này bởi sự đa dạng, dâu tây không còn là sản phẩm của những xứ du lịch nổi tiếng như Đà Lạt hay Sa Pa nữa... mà đã trở thành một sản phẩm du lịch của Na Hang hôm nay.

Cũng nhờ sự nhanh nhạy của tuổi trẻ mà Đặng Thị Dương, cô gái dân tộc Dao ở mãi đỉnh triền núi cao xã Hồng Thái đã mở cho mình một kênh quảng bá giới thiệu về cảnh đẹp quê hương trên facebook và youtube khá hiệu quả. Có những video, bức ảnh chị “tung” lên mạng thu hút cả nghìn like và chia sẻ những cảnh đẹp của quê hương đến bạn bè muôn phương. Dương bảo, ngày trước em học Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ở Hà Nội, thạo về tin học lại quen nhiều bạn nên nhờ mỗi người cùng chia sẻ để quảng bá cho mảnh đất du lịch xứ Tuyên. Quảng bá hình ảnh du lịch của quê hương cũng chính là trách nhiệm và là giải pháp giúp người dân quê mình có thêm những thu nhập, sản phẩm nông nghiệp của bà con mình làm ra như chè shan tuyết, lê... được nâng tầm giá trị khi có ngày nhiều người biết đến.

Không chỉ riêng Giàng Thị Sao, Đặng Thị Dương mà có rất nhiều những đoàn viên, thanh niên với lợi thế được đi học, có trình độ, có khả năng sử dụng các thiết bị thông minh đã tăng cường, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của du lịch Tuyên Quang trên mạng internet. Nhờ đó những thắng cảnh, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được nhiều người biết đến từ đó góp phần thu hút ngày càng nhiều hơn lượng khách du lịch khi đến với Tuyên Quang.

Hình ảnh du lịch xã Hồng Thái được chia sẻ trên Fanpage Đặng Dương Homestay.

Phát huy sức mạnh của tuổi trẻ

Nếu ai đã từng đến du lịch ở huyện vùng cao Lâm Bình, hẳn sẽ thấy ấn tượng với những mô hình homestay của người dân nơi đây. Theo tìm hiểu, đa phần các mô hình homestay với những ngôi nhà sàn truyền thống do thanh niên quản lý và phát triển. Là những người trẻ làm dịch vụ homestay nên họ đã mạnh dạn mở mang dịch vụ, thực hiện quảng bá hiệu quả qua các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo... Chỉ cần gõ vào google các từ homestay Tuyên Quang, homestay Lâm Bình... là hiển thị một loạt kết quả với thông tin về những homestay như Tài Ngào, Tọng Sướng, Nặm Đíp, A Phủ, Chẩu Văn Tụy... với hình ảnh, lời giới thiệu và số điện thoại liên hệ đầy đủ. Từ đó giúp khách hàng có thể đặt dịch vụ từ xa.

Anh Thái Khắc Dũng ở thành phố Thái Nguyên cho biết, anh biết đến Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình qua 1 tấm ảnh chụp Cọc Vài trên facebook của một thanh niên quê Lâm Bình từng học ở Đại học Thái Nguyên. Khi đến Lâm Bình du lịch anh thực sự choáng ngợp trước hình ảnh non nước hữu tình và thực sự khi đến thực tế anh mới cảm nhận được sự nhiệt huyết của lực lượng thanh niên ở đây khi làm du lịch. Anh thấy ấn tượng với các vật dụng trong bữa ăn không dùng mâm mà dùng từ các sản phẩm tự nhiên, một số sản phẩm du lịch của thanh niên như cốc, chén... đều được làm từ tre rất độc đáo.

Hiện nay, với lực lượng đoàn viên, thanh niên đông đảo, đó được coi là một thế mạnh nếu mỗi đoàn viên, thanh niên đều là những “tư vấn viên du lịch” thì chắc chắn hình ảnh du lịch của xứ Tuyên sẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Đồng chí Phạm Thị Bích Hường, Bí thư Thành đoàn Tuyên Quang cho biết, Thành đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy du lịch trên địa bàn. Rất nhiều các hoạt động du lịch của thành phố trước đây như: Lễ hội Thành Tuyên, Hội đua thuyền trên sông Lô... đã được lực lượng đoàn viên, thanh niên quảng bá hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, thì các hoạt động chung trong đó có hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì việc tuyên truyền, quảng bá du lịch lại được chuyển sang hướng phù hợp, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các đoàn viên, thanh niên đã chia sẻ các bài viết về các điểm du lịch ở “vùng xanh”, khuyến khích các đoàn viên, thanh niên xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với vườn cây, mô hình nuôi con “đặc sản”; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh của tỉnh, tăng cường giới thiệu về Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình qua Internet.

Hiện nay, chỉ cần lên google gõ dòng chữ “du lịch Tuyên Quang”, “homestay Tuyên Quang”, “trung thu Tuyên Quang”... là hàng nghìn những bài viết, địa chỉ tuyên truyền, quảng bá về du lịch xứ Tuyên với những cách tiếp cận rất phong phú. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu của xứ Tuyên như chè, cam, bưởi... đã trở thành thương hiệu trên thị trường. Có được những kết quả trên cho thấy việc chỉ đạo, định hướng trong các hoạt động xúc tiến, phát triển du lịch của tỉnh ngày càng đúng hướng. Bên cạnh đó, phải khẳng định sự vào cuộc không nhỏ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên xung kích đi đầu trong quảng bá, phát triển du lịch và sản phẩm của địa phương đã thực sự “chắp cánh” để thương hiệu du lịch xứ Tuyên bay xa.

Theo Tuyên Quang Online

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu