Xã hội hóa chợ đêm Na Hang

14/04/2021 1445 0
Chợ đêm Na Hang được khai trương đầu tháng 10-2020. Do dịch Covid-19 và tiếp tục hoàn thiện mặt bằng, đến tháng 3-2021 chợ mới bắt đầu đi vào hoạt động thường xuyên vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Bước đầu, 12 xã, thị trấn luân phiên trưng bày, giới thiệu các đặc sản của địa phương và biểu diễn văn nghệ. Đây là hình thức xã hội hóa để duy trì hoạt động chợ đêm do UBND huyện chỉ đạo nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Tuần đầu tiên của tháng 4, xã Năng Khả đảm nhiệm hoạt động tại chợ đêm. Tối thứ 7, chợ thu hút hàng nghìn lượt du khách gần xa. Gian hàng của xã với các sản phẩm: dưa chuột sạch, trứng gà sạch, bánh dày, bánh trứng kiến, rau bò khai… nhộn nhịp du khách tham quan, mua sắm. Đội văn nghệ của xã gần 20 người biểu diễn 10 tiết mục múa, hát Then, đàn Tính thu hút đông đảo du khách xem và cổ vũ, phát trực tiếp qua điện thoại di động.  

Ngay từ đầu tháng 3, Đảng ủy, UBND xã Năng Khả phân công cán bộ phụ trách 2 lĩnh vực hàng hóa và văn nghệ. Chị La Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, Phó Bí thư Đoàn xã được giao phụ trách lĩnh vực văn nghệ. Thuận lợi của xã là có đội văn nghệ phục vụ homestay thôn Nà Vai, Nà Khá, chị vận động, tập hợp hội viên, đoàn viên tập luyện và tự dàn dựng lại một số tiết mục, dàn dựng mới làn điệu múa còn, múa đàn. Chị Nguyệt bày tỏ, trước tiên phải vừa vận động, vừa quán triệt hội viên, đoàn viên tham gia biểu diễn văn nghệ tại chợ đêm vừa trên tinh thần tự giác, tự nguyện xong cũng là trách nhiệm quảng bá du lịch của địa phương. Thành viên đội văn nghệ đều làm nông nghiệp nên mỗi tối, các thành viên dành khoảng 2 tiếng tập luyện với nhau trước khi biểu diễn gần 1 tháng.

Đội văn nghệ xã Năng Khả biểu diễn tại chợ đêm Na Hang thu hút đông đảo du khách.

Cách thị trấn Na Hang 50 km, xã Hồng Thái mang đến chợ đêm Na Hang các sản phẩm chè của Hợp tác xã Sơn Trà, các sản phẩm nông sản sạch của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp và cả những làn điệu hát, múa của người Dao Tiền, người Mông nơi đây. Đồng chí Đàng Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, huy động sức dân để duy trì hoạt động của chợ đêm là rất quan trọng. Do đường xá đi lại xa xôi, việc luyện tập văn nghệ mất nhiều thời gian, công sức nên UBND xã trích một phần kinh phí để hỗ trợ tiền xe, ăn, nghỉ nhằm động viên tinh thần cho các thành viên.

Đoàn viên Đàng Thị Hà, thành viên đội văn nghệ xã Hồng Thái kỳ vọng, chợ đêm Na Hang trong tương lai sẽ ngày càng phát triển. Chợ không chỉ làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, khám phá của du khách, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tái hiện một phần nét đẹp truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Qua đó, tạo sân chơi sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, bổ ích, góp phần bảo tồn, duy trì giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Theo đồng chí Ma Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện nay đã có 7 địa phương luân phiên trưng bày sản phẩm, biểu diễn văn nghệ tại chợ đêm Na Hang. Chợ đêm Na Hang được xây dựng với hơn 30 gian hàng, được chia làm 4 khu chính gồm: khu vực kinh doanh ẩm thực; khu vực kinh doanh đặc sản của địa phương; khu vực dịch vụ mua sắm và khu vực kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí. Xác định, biểu diễn văn hóa các dân tộc là “bản sắc” không thể thiếu tại chợ đêm, thời gian tới, UBND huyện sẽ có giải pháp huy động nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho các đội văn nghệ. Theo đó sẽ thu phí gian hàng, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại chợ đêm, kết nối đội văn nghệ với các nhà hàng, khách sạn nếu du khách có nhu cầu thưởng thức văn nghệ…    

Theo Báo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu