Tiềm năng du lịch được đánh thức
Tuyên Quang được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, bởi đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp nhưng chưa được đánh thức. Tuyên Quang có quần thể di tích lịch sử với trên 600 điểm di tích, có hệ thống đền chùa, suối khoáng nóng và đặc biệt sau khi hồ sinh thái Na Hang, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Cùng với đó, tỉnh ta có hệ động thực vật phong phú, tỷ lệ che phủ rừng lên đến 65%, trong đó còn nhiều rừng nguyên sinh, thú quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như voọc đen má trắng, voọc mũi hếch...
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng đó, trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã xác định, du lịch là khâu đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. UBND tỉnh đã hoàn thành quy hoạch các khu du lịch và một số điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển từng loại hình du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, các địa phương của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, với hệ thống giao thông từng bước được kết nối đến các khu, điểm du lịch; hình thành 385 cơ sở lưu trú và 220 cơ sở ăn uống nhà hàng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của du khách. Tỉnh cũng đã thu hút được một số tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch như Tập đoàn VinGroup, SunGroup, FLC đầu tư xây dựng các khu du lịch tầm cỡ. Tăng trưởng du lịch bình quân 4,85%/năm; trong cả giai đoạn 2016 - 2020 thu hút trên 8,4 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội đạt trên 7 nghìn tỷ đồng.
Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được xây dựng, sẽ thu hút du khách
về tỉnh tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Quốc Việt
Tiềm năng du lịch của tỉnh từng bước được phát huy, từ một tỉnh chưa được nhiều khách du lịch biết đến thì nay, nhiều tour đã được các công ty du lịch kết nối, đưa khách về Tuyên Quang thăm khu du lịch Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm, hồ sinh thái Na Hang. Tuy nhiên, mặc dù tiềm năng du lịch của tỉnh đã được khai thác, từng bước mang lại giá trị kinh tế cho người dân nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thu ngân sách Nhà nước từ du lịch còn thấp, người dân chưa giàu lên từ du lịch.
Định hình cho sự phát triển
Để du lịch thực sự là khâu đột phá, động lực cho sự phát triển trong thời gian tới cần có sự hoạch định một cách bài bản bảo đảm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, các đồng chí lãnh đạo nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó phải chú trọng khai thác các yếu tố có lợi thế nhất của địa phương để tạo sự khác biệt, độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, lưu trú và nghỉ dưỡng dài ngày. Bên cạnh những phần việc phải làm trong xây dựng hạ tầng du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch, thì Tuyên Quang phải làm tốt công tác bảo vệ rừng, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nếu mất đi những yếu tố này, Tuyên Quang sẽ không còn có cái riêng độc đáo, khi đó rất khó để phát triển du lịch.
Do đó, cùng với việc chú trọng quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông, đô thị động lực phục vụ phát triển du lịch, tỉnh ta chú trọng phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong 5 năm tới, tỉnh hoàn thiện hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đưa vào khai thác đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nâng cấp các quốc lộ, bê tông hóa 1.080 km đường giao thông nông thôn và xây dựng 200 cầu trên đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện tốt nhất để du khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Tại các khu, điểm du lịch, tỉnh quy hoạch phát triển các loài hoa theo mùa, hình thành các trang trại, gia trại cây ăn quả như cam sành, bưởi, rừng gắn với phát triển du lịch ở mỗi địa phương. Trong tỉnh có nhiều loài hoa được du khách rất yêu thích như hoa lê Hồng Thái (Na Hang), hoa ban thành phố Tuyên Quang, rồi đây sẽ có thêm mùa hoa phách tím vào mùa thu Tân Trào, tạo thành điểm nhấn thu hút du khách.
Tỉnh tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm mang tầm cỡ quốc tế; phát triển thương hiệu Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; xây dựng Khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch Quốc gia; xây dựng Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch mang thương hiệu Quốc gia; Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là sản phẩm du lịch tâm linh mang thương hiệu khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đón 2,6 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 đón 3,2 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 4 nghìn tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục phát triển các mặt hàng lưu niệm gắn với nâng tầm các sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Theo Báo Tuyên Quang Online