Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc dừng tổ chức lễ hội là cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay, song nó ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của tỉnh. Việc “ngăn sông cấm chợ, giãn cách xã hội trên địa bàn” là chưa có, nhưng lượng khách du lịch tụt giảm trên 80% so với cùng kỳ những năm chưa có dịch.
Do dịch bệnh Covid nên đền Cấm, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) vắng vẻ du khách đầu xuân.
Tới thời điểm này, hàng vạn du khách thập phương không được tham gia lễ hội đầu xuân truyền thống ở Tuyên Quang, như lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa, Lâm Bình, Na Hang; lễ hội Động Tiên - Chợ quê, chợ Thụt (Hàm Yên); lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào, lễ hội đình Thọ Vực (Sơn Dương); lễ hội Đua thuyền trên sông Lô, lễ hội chùa Hang, lễ hội Đình Giếng Tanh (TP Tuyên Quang); lễ hội Đầm Mây (Yên Sơn). Ngoài ra, đầu xuân Tuyên Quang còn “thất thu” lượng khách lớn đi lễ đền, chùa đầu năm, đặc biệt hệ thống đền thờ Thánh Mẫu quy mô như đền Hạ, Thượng, Ỷ La, Cấm, Ghềnh Quýt (TP Tuyên Quang); Pác Tạ (Na Hang); Pú Bảo (Lâm Bình); Bách Thần (Chiêm Hóa); Bắc Mục, Thác Cái, Thác Con (Hàm Yên)… Cảnh các điểm du lịch đìu hưu thưa vắng du khách, xe cộ diễn ra khá phổ biến. Chỉ thấy một vài du khách đi theo kiểu nhỏ lẻ đến các đền, chùa chớp nhoáng xong lại về. Với chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 toàn tỉnh đón trên 2,2 triệu lượt khách thật sự có nhiều áp lực đối với những tháng giữa và cuối năm nếu tình hình dịch bệnh được khống chế, đẩy lùi.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chiêm Hóa cho biết, đối với huyện Chiêm Hóa hằng năm vào ngày mồng 8 tháng Giêng UBND huyện đều tổ chức lễ hội Lồng tông. Tuy nhiên vì dịch Covid-19 mà hai năm nay huyện Chiêm Hóa phải dừng tổ chức lễ hội. Riêng mùa lễ hội năm 2021, huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho việc khai hội trở lại. Nhưng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại nên huyện phải quyết định dừng tổ chức lễ hội Lồng tông trong sự tiếc nuối của nhân dân và du khách. Tua du lịch đầu xuân đến chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Yên Nguyên), đền Bách Thần (Vĩnh Lộc), đền Bó Cuống (Minh Quang) cũng vì thế mà vắng khách.
Ở huyện vùng cao Lâm Bình những điểm du lịch homestay “cảm nhận” rõ nhất sự tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch non trẻ của huyện. Bà Triệu Thị Xướng, chủ Homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm chia sẻ, năm nay huyện kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập huyện mới Lâm Bình (2011 - 2021), tuy nhiên lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc bị dừng tổ chức nên ai cũng buồn. Lượng khách đến Lâm Bình giảm hẳn, các homestay chỉ đón được những đoàn khách nhỏ lẻ. Trước tình hình du khách giảm chung do dịch bệnh Covid, homestay Hoàng Tuấn đã tranh thủ chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ để đợi khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn sẽ tăng cường công tác truyền thông quảng bá, thu hút du khách trở lại sau những ngày “gò bó” ở nhà chống dịch.
Hiện nay Tuyên Quang vẫn được đánh giá là địa phương chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chưa có ca dương tính nào trên địa bàn. Các khu, điểm du lịch của tỉnh vẫn thuộc diện an toàn nhờ sự giám sát sát sao của cơ quan chức năng, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, tuân thủ nghiêm quy định của ngành Y tế. Tinh thần đón khách an toàn xuyên suốt thời điểm này của ngành du lịch tỉnh. Ngành du lịch phấn đấu vừa phát triển kinh tế du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, vừa tham gia phòng chống dịch có hiệu quả, tạo tiền đề khi dịch bệnh được đẩy lùi cũng là lúc ngành du lịch lấy được đà tăng trưởng trở lại.
Theo Báo Tuyên Quang Online