Điểm nhấn mang tên “Homestay”

30/12/2020 2557 0
Mặc dù mới phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, song homestay đã trở thành điểm nhấn đặc sắc của ngành du lịch tỉnh. Các mô hình homestay với “view” đẹp và phục vụ ngày càng chuyên nghiệp đã để lại ấn tượng khó phai đối với khách du lịch trong nước và quốc tế...

Ngủ trên mây, massage bằng cá

Không giống ở bất cứ nơi nào, du lịch trải nghiệm ở các vùng miền ở Tuyên Quang, đặc biệt là ở vùng cao lại mang một phong cách rất riêng biệt. Ai đã từng đến xã Hồng Thái (Na Hang) nơi cao nhất tỉnh, cao hơn mực nước biển gần 1.000 m mới thực sự cảm nhận được thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ nơi đây. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Phúc, ở Hà Nội, hiện đang công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng đã từng có chuyến trải nghiệm Homestay ở Hồng Thái kể, dù đã đi nhiều nơi song thực sự không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên đã níu chân anh lại. Sáng ngủ dậy cảm giác như chạm tay là với tới mây  trời vậy. Không chỉ được tham gia các hoạt động như hái lê, thăm ruộng lúa bậc thang, anh và bạn bè còn được thưởng thức nhiều sản vật của mảnh đất vùng cao như chè Shan tuyết, rau bò khai, thịt hun khói, da trâu khô, cá chép ruộng ăn gỏi… Đến giờ anh vẫn nhớ mãi và đã sắp lịch để rủ bạn bè, người thân hẹn ngày trở lại.

Một “view” thơ mộng của Homestay xã Hồng Thái (Na Hang).

Những mô hình phát triển homestay ở các xã Lăng Can, Thượng Lâm... đã thực sự trở thành điểm đến ấn tượng đối với du khách muôn phương. Về đây, du khách được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc được làm nên từ thực phẩm sạch như thịt lợn đen, bún, xôi ngũ sắc, bánh trứng kiến… Nhưng sức lôi cuốn nhất khi trải nghiệm tại nơi này là những phút thư giãn massage bằng cá suối. Ông Yamada đến từ đất nước “mặt trời mọc” Nhật Bản đã từng được thưởng thức buổi biểu diễn văn nghệ tại Homestay Tài Ngào ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm và đến thác Khuổi Nhi chia sẻ, chuyến du lịch lần này thực sự khiến ông rất ngỡ ngàng bởi cách làm du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên. Cảm giác những chú cá nhỏ li ti ở suối nước như được huấn luyện để massage cho khách du lịch vậy. Một lần đến đây ông được biết thêm nhiều nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương, ông thấy rất ấn tượng với màn hát Then, đàn Tính của người dân tộc Tày, cả người già và người trẻ đều hát được chứng tỏ họ đã có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống.

Mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm của du khách với điểm dừng chân tại những danh lam, thắng cảnh đẹp, đặc biệt ăn nghỉ tại các homestay đã trở thành một hành trình đáng nhớ. 

Nâng cao chất lượng homestay

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 70 gia đình làm dịch vụ homestay, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các huyện vùng cao: Lâm Bình có 25 hộ, Na Hang 12 hộ, Chiêm Hóa 12 hộ... Để hỗ trợ các điểm homestay phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức hoạt động tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ phát triển homestay theo lộ trình, tránh phát triển ồ ạt và ký cam kết về chất lượng, giá thành dịch vụ. Nhờ thế, khi đặt dịch vụ du lịch, nghỉ tại các homestay trên địa bàn tỉnh dù vào thời điểm “nóng” giá dịch vụ không hề tăng.

Homestay Nặm Đíp, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) được đánh giá
tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Quốc việt

Anh Nguyễn Văn Tuân ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) từng có chuyến du lịch trải nghiệm ở Lâm Bình đánh giá, chất lượng dịch vụ ở homestay rất tốt, giá rất bình dân. Hầu hết các bữa ăn anh đều được thưởng thức các món ăn làm từ thực phẩm sạch do bà con sản xuất. Về vùng cao Lâm Bình, Na Hang được hít hà không khí trong lành cho căng lồng ngực để có thêm năng lượng làm việc tốt hơn sau chuyến hành trình trải nghiệm...

Các cơ sở homestay đảm bảo điều kiện về chỗ ở, an toàn vệ sinh thực phẩm và các thành viên trong gia đình phải được tập huấn nghiệp vụ du lịch, có thái độ phục vụ tận tình, am hiểu văn hóa, địa điểm du lịch ở địa phương để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ du khách. Chị Đặng Dương, dân tộc Dao tiền, chủ Homestay Đặng Dương ở thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) cho biết, chị luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ các cấp, các ngành, các thành viên trong gia đình chị đều được tập huấn về nghiệp vụ du lịch cộng đồng. Chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, homestay của gia đình chị đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch, góp phần tăng thu nhập và cải thiện chất lượng đời sống gia đình, có điều kiện gia đình chị lại tăng cường đầu tư xây dựng homestay ngày càng quy củ hơn.

Có nhiều người trẻ làm dịch vụ homestay nên họ đã mạnh dạn mở mang dịch vụ, thực hiện quảng bá hiệu quả qua các mạng xã hội như Facebook, Youtobe, Zalo... Chỉ cần gõ vào google các từ homestay Tuyên Quang, homestay Lâm Bình... là hiển thị một loạt kết quả với thông tin về những Homestay như Tài Ngào, Tọng Sướng, Nặm Đíp, A Phủ (Lâm Bình) hay Homestay  Đặng Dương, La Văn Đường, Bàn Thị Khé (Na Hang)... với hình ảnh, lời giới thiệu và số điện thoại liên hệ đầy đủ. Từ đó giúp khách hàng có thể đặt dịch vụ từ xa.

Phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng homestay đã và đang trở thành hướng đi hiệu quả thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên tươi đẹp của Tuyên Quang đến với du khách trong nước và quốc tế.

Theo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu