Du lịch bắt nhịp trở lại

29/04/2020 1803 0
Tiếp nối thành công đón trên 1,7 triệu lượt khách năm 2019, năm nay tỉnh ta kỳ vọng đón trên 2 triệu lượt khách. Nhưng sự kỳ vọng đó đã bị “đứt gánh” vì đại dịch Covid-19. Các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh đóng băng. Nhưng trong cái khó, ló cái khôn, hiện ngành du lịch tỉnh nhà đang tìm cách tái thiết, vượt qua khó khăn.

Ảm đạm thời Covid

Phóng tầm mắt ra bến thủy Na Hang, ngọn Pác Tạ vẫn sừng sững cuốn mây trời. Chỉ có khác, bến thủy không còn nhộp nhịp như xưa. Hàng trăm chiếc thuyền du lịch về neo đậu ngay ngắn.

Ngồi bên chiếc ca nô cao tốc mới mua trên 600 triệu đồng, anh Hoàng Hưng đang nghĩ về khoản lãi vay ngân hàng mà anh phải trả hàng tháng. Dự án Na Hang tour của anh khởi động chưa được bao lâu thì đại dịch Covid-19 ập tới. Hàng “tá” tour du lịch của anh đã lên kế hoạch đành phải hủy bỏ. Không có tiền từ dịch vụ những người kinh doanh hộ cá thể như anh càng thêm khó khăn. Nhưng anh tin với cách phòng, chống dịch có hiệu quả như ở Việt Nam thì Na Hang sau dịch cũng trở thành một điểm đến an toàn. 

Những ngày này đường lên xã vùng cao Hồng Thái, nơi được coi là Sapa của Na Hang vắng vẻ lạ thường. Mây vẫn giăng xuống bản. Hoa lê nở trắng nương nhưng vắng bóng du khách. Chị Đặng Thị Dương, dân tộc Dao tiền, chủ một homestay ở thôn Khau Tràng chia sẻ, nhà em trước khi xảy ra đại dịch lúc nào cũng đông khách. Giờ chẳng có ai. Em rất chăm chú nghe thời sự, mong đại dịch qua mau để mọi việc trở lại bình thường. 


Chị Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, Lâm Bình tranh thủ 
cải tạo lại Homestay của mình.

Đường về Tân Trào, chiến khu Việt Bắc năm xưa với những rặng duối trầm mặc. Rừng đặc dụng thay áo mới của mùa xuân thêm xanh biếc. Thấp thoáng những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày xây dựng theo chương trình nông thôn mới hiện lên thật đẹp. Tân Trào hôm nay yên tĩnh, không còn hàng quán đồ lưu niệm bày bán. Tuyệt nhiên cũng không có du khách, chỉ có người dân đang làm đồng, bọn trẻ đang chăn trâu. Những điểm di tích quan trọng như lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, Bảo tàng Tân Trào ATK vẫn có cán bộ, nhân viên Ban quản lý khu di tích chăm sóc. Bên kia cánh đồng, làng văn hóa du lịch Tân Lập không thấy bóng dáng tấp nập của xe ca chở khách. Cuộc sống của người dân trở lại nhịp thường xưa. Nếu như năm ngoái Tân Trào đón trên 700 nghìn lượt khách, thì con số đó năm nay là một điều mơ ước.

Thách thức và cơ hội

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói: “Chúng tôi rất sốt ruột vì dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn phải giám sát chặt chẽ, không thể chủ quan. Trước tình cảnh không có khách du lịch, ngành du lịch tỉnh tăng cường chỉ đạo, khuyến cáo các khu, điểm, cơ sở du lịch tăng cường các biệp pháp vệ sinh môi trường. Đồng thời, nhân cơ hội quy hoạch chỉnh trang các di tích lịch sử, xây dựng các công trình dự án du lịch. Các cơ sở du lịch đẩy mạnh tôn tạo lại cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Để khi hết dịch có thể “bung” ra phục vụ du khách với sự chủ động và bài bản hơn”.

Đồng quan điểm này với ngành du lịch tỉnh, chị Triệu Thị Xướng, dân tộc Tày, chủ homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đã bàn với chồng, con, nhân không có khách, tiến hành chỉnh trang tôn tạo lại homestay, chờ khi hết dịch có thể đưa vào hoạt động được ngay.

Tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, một trong những trọng điểm du lịch tương lai của tỉnh, những ngày này vắng bóng khách. Tuy nhiên, tại công trường thi công dự án Khu trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, mua sắm tại Vinpearl Tuyên Quang diễn ra rất khẩn trương, sôi động. Giai đoạn một của dự án, chủ đầu tư Tập đoàn Vingroup đang tập trung triển khai khu lõi trung tâm gần 30 ha gồm khu shop mua sắm 134 căn shophouse, khu y tế, dưỡng lão, nhà hàng dinh dưỡng, khách sạn, đồi chè, khoáng nóng, vui chơi giải trí. Tới thời điểm này, đơn vị thi công đã cơ bản xong phần móng và đang lên tường cho các nhà thuộc các phân khu chức năng. Đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của dự án, nhưng quyết tâm của chủ đầu tư sớm đưa công trình vào sử dụng như dự kiến trong năm nay. 

Một cách làm hay của Bảo tàng tỉnh là nhân cơ hội chưa có khách tham quan, cán bộ, nhân viên cơ quan tập trung cho khâu quy hoạch, thiết kế, trưng bày hiện vật. Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Bảo tàng tỉnh trăn trở: Hiện nay Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 21.500 tài liệu, hiện vật. Chúng tôi sắp xếp trưng bày khoa học trên 1.600 m2 được chia làm 4 phần. Với cách trưng bày hiện vật, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không gian đẹp, bảo tàng chắc chắn sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử đến tìm hiểu trong thời gian tới.

Theo báo cáo của ngành du lịch tỉnh, quý I năm nay các khu, điểm du lịch đón 129.900 lượt khách, đạt 6% kế hoạch năm, giảm 75,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch là 107 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch năm, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước. Trước mắt, ngành mạnh dạn tái cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ đến năm 2025. Đồng thời, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội; thiết kế lại các tua, tuyến du lịch khoa học, hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ. Mới đây Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng “tìm giải pháp phát triển du lịch an toàn không để dịch bệnh lây nhiễm thông qua các hoạt động du lịch trên địa bàn”. Chỉ khi an toàn các hoạt động du lịch mới được phép hoạt động trở lại. Trước mắt ngành kích cầu các hoạt động du lịch nội địa với tua tuyến phong phú, giá ưu đãi. Các cơ sở du lịch trên địa bàn phải tập trung nhân lực, vật lực để vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng cao trong những năm tiếp

Theo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu