Một mô hình trong đêm Trung thu tại TP Tuyên Quang.
Bác Lê Thanh Hùng, phường Tân Hà chia sẻ: Hiện nay, mỗi dịp Trung thu về các em không những được rước đèn ở trường mà về tổ dân phố vẫn có mô hình chơi chung. Tất cả đều bắt đầu từ chiếc đèn Trung thu vốn chỉ là đồ chơi của trẻ con vào đêm trăng rằm tháng Tám. Nhưng cải tiến từ chiếc đèn Trung thu truyền thống, mỗi trẻ có thể cầm 1 cái, cùng nhau rước đèn, trông trăng, phá cỗ thành một chiếc đèn thật to để mọi nhà, mọi người có thể “chơi chung”. Như vậy 7 - 8 năm nay cứ khoảng 1 tháng trước thời điểm tháng 8 âm lịch, các hộ gia đình đã họp bàn, bầu ra ban đại diện, chịu trách nhiệm làm một mô hình hoàn chỉnh. Cái khó khăn nhất là nguồn kinh phí để làm mô hình. Với mức giá thị trường hiện nay, một mô hình có thể dao động từ khoảng 20 triệu đến 40 triệu đồng. Các hộ dân trong tổ tự đóng tiền, mỗi hộ gia đình có trẻ con sẽ đóng 200 nghìn, không có trẻ con đóng 100 nghìn. Còn tổ dân phố huy động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn khu phố. Khi có nguồn kinh phí, các tổ sẽ họp bàn thống nhất ý tưởng của mô hình năm nay. Thông thường, các ý tưởng làm mô hình thường bám vào các tích truyện dân gian, mang ý nghĩa giáo dục trẻ nhỏ, giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Ngoài các mô hình chung của tổ, Trung thu còn là lúc mọi người có dịp đoàn tụ, vui vẻ, phá cỗ cùng gia đình họ hàng. Đây là dịp, để ông bà, cha mẹ, anh chị và cộng đồng quan tâm, chăm sóc trẻ em và trẻ em cảm nhận, biết ơn sự quan tâm của gia đình và xã hội.
Theo TQĐT