Đây là “mùa làm ăn” của các nhà hàng, khách sạn, do đó, ngay từ thời điểm này đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về du lịch xứ Tuyên.
Khách sạn Mai Sơn tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng buồng cho nhân viên để phục vụ tốt du khách đến với Lễ hội Thành Tuyên 2019.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mai Sơn, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, công ty kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, khách sạn với 72 phòng nghỉ, nội thất sang trọng. Khách sạn có 1 nhà hàng tại tầng 10, một hội trường phục vụ tổ chức hội nghị, hội thảo với sức chứa 100 khách, có bãi đỗ xe miễn phí rộng 1.000 m2. Cuối tháng tám hàng năm, du khách đã bắt đầu liên hệ với khách sạn để đặt trước phòng và dịch vụ ăn uống trong dịp Lễ hội Thành Tuyên. Tất cả các dịch vụ của khách sạn diễn ra trong lễ hội đều không tăng giá, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Đồng thời rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất buồng phòng để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách đến ăn nghỉ. Khách sạn còn xây dựng “Góc du lịch” tại sảnh với nhiều mặt hàng độc đáo mang đậm văn hóa xứ Tuyên như gỗ lũa, các đồ thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, khách sạn phối hợp với các công ty lữ hành trên địa bàn tập huấn cho đội ngũ lễ tân kỹ năng tiếp đón, phục vụ khách; tổ chức đưa đón khách tham quan các điểm du lịch như lòng hồ sinh thái Na Hang, suối khoáng Mỹ Lâm, khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa).
Để tạo ấn tượng đối với du khách về dự Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019, các nhà hàng trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị các điều kiện để phục vụ một cách tốt nhất. Theo chị Dương Thị Dính, chủ nhà hàng Ba Chữ Lồng, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), vào dịp Lễ hội Thành Tuyên hàng năm, nhà hàng đón lượng khách khá lớn, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài. Họ không chỉ ấn tượng và thích thú với các hoạt động diễn ra tại lễ hội mà còn tỏ ra hài lòng với các dịch vụ nghỉ dưỡng tại thành phố Tuyên Quang. Dẫu đông khách nhưng nhà hàng không tăng giá dịch vụ, chất lượng được đảm bảo. Hiện, nhà hàng đã liên kết với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, bảo đảm an toàn để ký hợp đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ nhân viên chế biến thực phẩm. Nhà hàng đã chuẩn bị nhiều thực đơn đặc sản miền núi, góp phần quảng bá ẩm thực xứ Tuyên với đông đảo du khách gần xa.
Hoạt động của các khách sạn, nhà hàng trong Lễ hội Thành Tuyên hàng năm đã tạo dấu ấn sâu sắc của du khách về du lịch xứ Tuyên trong thời gian qua. Bà Nguyễn Thị Cần đến từ thành phố Hải Dương (Hải Dương) cho biết, năm nào bà cũng cùng con cháu về thành phố Tuyên Quang dự Lễ hội Thành Tuyên. Bà được được nhân viên khách sạn đón tiếp rất chu đáo, cởi mở, họ còn tư vấn cho bà đi tham quan thác Bản Ba (Chiêm Hóa), rồi kết hợp điều trị bệnh xương khớp tại suối khoáng Mỹ Lâm. Bà rất yêu thích ẩm thực xứ Tuyên, nhất là món rau rừng, măng tươi luộc chấm mẻ, hương vị thật đậm đà, quyến rũ… Hiện bà đang bố trí công việc để cùng con cháu tiếp tục về thành phố Tuyên Quang tham dự Lễ hội Thành Tuyên.
Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu của Tuyên Quang, là điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách. Các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng là cầu nối để “hút” khách đến với lễ hội, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo TQĐT