Sức bật du lịch xứ Tuyên

24/06/2022 1869 0
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tuyên Quang ước thu hút được hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 17,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021... Đây là những con số ấn tượng cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau thời gian dài bị đóng băng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đồng bộ các giải pháp “kích cầu”

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Tuyên Quang đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp “kích cầu” du lịch, nhờ đó thị trường du lịch đã sôi động trở lại, tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lần thứ nhất năm 2022. Đây là điểm nhấn đầy ấn tượng mở màn cho Năm Du lịch Tuyên Quang 2022. Không chỉ là sản phẩm du lịch độc đáo, đem lại trải nghiệm mới mẻ cho người dân và du khách mà Lễ hội Khinh khí cầu thực sự là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trở lại nhanh chóng, mạnh mẽ, đầy hiệu quả của ngành Du lịch. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lớn nhất Việt Nam cho tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để đạt mục tiêu phấn đấu đón 2,2 triệu lượt khách đến với Tuyên Quang trong năm 2022, doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng… ngành đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút du khách.

Du khách trải nghiệm tại Homestay Dấu Chân Tiên tại thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình).  Ảnh: Cảnh Trực

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã duy trì hiệu quả Cổng thông tin du lịch thông minh, quảng bá thông tin du lịch Tuyên Quang tại địa chỉ https://mytuyenquang.vn và app “TuyenQuang tourism” dành cho thiết bị di động, máy tính bảng. Đã hoàn thành xây dựng du lịch thực tại ảo (VR 360) với18 điểm du lịch nổi bật tại Na Hang - Lâm Bình và một số điểm du lịch tại thành phố Tuyên Quang…

Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch. Ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh cho biết: Ban Quản lý đã đồng hành cùng các địa phương xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch trải nghiệm mới dựa trên việc khai thác tài nguyên, thế mạnh về văn hóa, cảnh quan ở các địa phương. Hiện nay, Ban Quản lý đang vận hành hiệu quả trang Web dulichtuyenquang.vn; 4 trang Fanpage: Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang, Du lịch Tân Trào, Du lịch Na Hang, Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm để tiếp nhận và xử lý thông tin, hỗ trợ khách du lịch 24/24 giờ các ngày trong tuần.

Các địa phương nắm bắt cơ hội dịch bệnh được kiểm soát đã đẩy mạnh các giải pháp thu hút du khách. Nhiều thời điểm tại các khu du lịch trên địa bàn “cháy” các dịch vụ. Đồng chí Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang phấn khởi cho biết: Huyện đã khởi động lại hoạt động chợ đêm và tuyến phố đi bộ, tích cực xúc tiến các hoạt động kích cầu du lịch. Huyện đã tổ chức thành công Tuần Văn hóa du lịch huyện Na Hang năm 2022 với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm như dã ngoại tại Khu lâm viên Phiêng Bung, xã Năng Khả, du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; phát triển các hoạt động giúp du khách được trải nghiệm nhiều hơn như cắm trại, săn mây, bắt cá bằng tay, làm bánh, cơm lam, xôi ngũ sắc và các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và phát triển mô hình đón khách du lịch trải nghiệm theo mùa như Lễ hội hoa lê, ruộng bậc thang, hoa cải…

Du khách trải nghiệm hoạt động xay lúa, giã gạo tại Tân Trào (Sơn Dương).

Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Du lịch 5 sao, chủ Homestay Nặm Đíp và Homestay Bản Bon (Lâm Bình) cho biết: Sau khi dịch Covid - 19 được kiểm soát, công ty đã kết hợp với các công ty lữ hành liên kết vùng, liên kết tuyến để tăng cường sự trải nghiệm cho du khách. Công ty tổ chức các sản phẩm du lịch khám phá (trekking) các thảm thực vật, rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, hang động, thác nước; tổ chức cho du khách đạp xe để cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên Lâm Bình. Đặc biệt, công ty còn giúp du khách trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa như tham gia làm bánh dày, bánh trứng kiến, bắt cá ở suối… Những trải nghiệm mang đậm dấu ấn địa phương tạo cho du khách hào hứng tham gia, thu hút được lượng lớn du khách đến từ các thương hiệu như Vietravel, Saigon tourist; Hanoi tourist, Red tour… đến với Lâm Bình, Na Hang.

Là du khách đã nhiều lần trở lại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, anh Bế Văn Dự (ở Đê La Thành - Hà Nội) chia sẻ: Khu du lịch Tân Trào có tiềm năng du lịch rất lớn, như một “bảo tàng cách mạng”, rất bổ ích cho mỗi người. Về Tân Trào, anh còn được nghe hát Then, bơi mảng  trên hồ Nà Nưa, trải nghiệm check-in Làng chè Vĩnh Tân (Sơn Dương); xay lúa, nướng cơm lam; trải nghiệm ngâm chân bằng lá thuốc gia truyền... thực sự rất lý thú đối với mỗi du khách khi đến đây.

Hứa hẹn những hoạt động du lịch hấp dẫn

Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế du lịch, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể trong thời gian tới. 

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng du khách đến tham quan tại đền Thượng,
xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) bắt đầu tăng trở lại.  Ảnh: Tôn Bảo

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này đang được tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tập trung thực hiện là chuẩn bị tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và chuẩn bị tổ chức Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 vào dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9-2022. Trong khuôn khổ Lễ đón nhận và Lễ hội Thành Tuyên có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn như tổ chức giải đua xe đạp, quần vợt, bóng bàn; Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội; Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Hội chợ Thương mại - Du lịch; chung khảo, tổng kết, trao giải cuộc thi “Tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” và cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Tuyên Quang năm 2022”, chung kết cuộc thi “Người đẹp xứ Tuyên”... và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của các địa phương trong tỉnh hưởng ứng sự kiện, sẵn sàng cho sự trở lại mạnh mẽ, hấp dẫn và hiệu quả hơn của ngành Du lịch Tuyên Quang.
Tỉnh đã triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng để thu hút du khách đến với Tuyên Quang. Theo đó, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; triển khai các bước xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; mở mới tuyến đường từ xã Tam Đa (Sơn Dương) đến thành phố Tuyên Quang kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường từ huyện Hàm Yên (từ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang) đi huyện Chiêm Hóa đến huyện Na Hang kết nối với lòng hồ Na Hang và hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Đây là hướng phát triển lâu dài, chiến lược để Tuyên Quang trở thành điểm đến của du khách, bảo đảm phát triển du lịch bền vững.     

Theo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu