Tỉnh Tuyên Quang cũng đang triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ, bài bản để chung sống an toàn với dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là du lịch phát triển, bảo đảm du lịch thực sự “bùng nổ”, trở thành khâu đột phá, ngành kinh tế quan trọng, đưa Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Tỉnh ta đề ra mục tiêu năm 2022 đón trên 2,2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Sau một thời gian dài “ngủ vùi” trong dịch, thì ngay từ đầu năm mới này, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt phòng chống hiệu quả dịch bệnh, Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Quang cảnh TP Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh
Tuyên Quang thu hút du khách bằng vẻ đẹp tự nhiên, nên thơ của “sơn kỳ thủy tú”. Do đó, trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch dã hoành hành nhưng khách vẫn đặt tour, tự tổ chức đến Tuyên Quang thăm thú, nghỉ dưỡng. Theo các công ty lữ hành du lịch của tỉnh thì đây là sự khác biệt lớn trong hoạt động du lịch, bởi trước đây, hầu hết khách đặt tour đi tỉnh khác, Tuyên Quang chưa được nhiều du khách lựa chọn. Nhưng nay, vẻ đẹp tiềm ẩn của “nàng công chúa” ngủ trong rừng đã thức giấc nhờ hoạt động quảng bá sâu rộng bằng nhiều hình thức đến với du khách trong nước và quốc tế. Tỉnh đã triển khai đề án truyền thông du lịch, trong đó chú trọng đến vai trò của mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch của tỉnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống hiếu khách, trọng bạn bè, tình anh em của người Tuyên Quang đã được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử.
Thực tế đã chứng minh rõ điều này. Tuyên Quang có nhiều lễ hội văn hóa, danh thắng và vẻ đẹp thiên nhiên nên thơ, hùng vỹ say đắm lòng người. Mỗi người dân Tuyên Quang khi đi trảy hội, đi làm rừng, làm ruộng đã chủ động chụp ảnh, ghi hình đưa lên Facebook, Zalo, Youtobe, thậm chí còn livestream với lời nhắn nhủ dễ thương “bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi”. Lễ hội hương sắc hoa lê Hồng Thái (Na Hang), rồi bạt ngàn rừng hoa mận ở Nà Héc, xã Yên Lập (Chiêm Hóa), hoa lim vàng Tân Trào (Sơn Dương) và những nương chè, khu rừng xếp tán mâm xôi, trái tim rộn ràng trên mạng xã hội thu hút được sự quan tâm của cả cộng đồng trong nước, quốc tế.
Tuyên Quang đang chuẩn bị khai mạc Năm du lịch với chủ đề “Du lịch Tuyên Quang - An toàn, hấp dẫn, trải nghiệm trọn vẹn” gắn với Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế đang thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Công ty TNHH Khinh khí cầu Ballooning Media tổ chức bay thử khinh khí cầu tại thành phố Tuyên Quang được Báo Tuyên Quang livestream, người dân quảng bá trên mạng mà đã “hâm nóng” sự háo hức được trải nghiệm hoạt động này của đông đảo du khách.
Đoàn khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh tham quan, chụp ảnh bên vườn hoa lê, xã Hồng Thái.
Hiện các công ty du lịch đã nhận được nhiều đoàn khách đặt tour đến Tuyên Quang tham dự Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế. Ông Nguyễn Tiến Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hương Việt (TP Tuyên Quang) cho biết, công ty đã nhận được hợp đồng của 4 đoàn khách từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đến trải nghiệm Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế và các khu, điểm du lịch của tỉnh. Tuyên Quang đang phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch gắn với nông nghiệp đã tạo dấu ấn với du khách. Các đoàn khách đăng ký tour trọn gói, từ trải nghiệm khinh khí cầu, rồi đi thăm các vườn chè, cam ở Hàm Yên; thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). Điều này hoàn toàn là nét tươi mới trong hoạt động kinh doanh du lịch của công ty từ trước tới nay.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đón trên 400 nghìn lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ. Với việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh nên các tour du lịch đã được mở, đặc biệt là bắt đầu từ Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế được tổ chức, du lịch Tuyên Quang chắc chắn sẽ “bùng nổ”. Tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động hữu ích như tọa đàm hợp tác phát triển du lịch, khảo sát phát triển du lịch tại các địa phương, tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
“Đón đầu” phát triển
Tuyên Quang, miền đất sơn thủy hữu tình, đến một lần nhớ mãi. Anh Nguyên Phúc du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh sau khi kết nối tour với một công ty du lịch của tỉnh đã chọn Hồng Thái làm điểm đến trong hành trình đầu xuân mới này. Anh Nguyên Phúc chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng, “Hồng Thái đẹp diệu kỳ, là Sapa thứ 2 của miền Bắc, bởi mùa hoa lê tinh khôi tan vào sương giăng ở lưng chừng trời”…
Khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Lâm - Vinpearl Tuyên Quang đang được Tập đoàn VinGroup đầu tư xây dựng. Ảnh: Hoàng Thảo
Anh Phúc và bạn bè sẽ tiếp tục đến Tuyên Quang khi tỉnh tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu và chọn nhiều điểm đến hấp dẫn khác như trải nghiệm vườn chè và tắm suối khoáng ấm nồng hương vị Tuyên Quang. Vẻ đẹp xứ Tuyên thật diễm lệ nhưng quả thực nhiều người vẫn nghĩ vùng đất này còn xa xôi quá. Đường đến Tuyên Quang, đến Hồng Thái, Na Hang và nhiều khu, điểm du lịch còn khó đi, mất nhiều thời gian là trở ngại lớn, “ngáng” chân du khách. Hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn. Đây thực sự là những điểm nghẽn cần được tháo gỡ để “đón đầu” cơ hội phát triển mới khi dịch bệnh Covid-19 được xem là bệnh đặc hữu, trở lại cuộc sống bình thường mới.
Hiện, Tuyên Quang đang đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại để “rải thảm” cho du khách đến tỉnh nhà. Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để đến năm 2023 đưa vào khai thác. Tuyên Quang và Hà Giang đang chung sức, đồng lòng mở đường cao tốc kết nối vào cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ để tạo ra lợi thế chung trong phát triển du lịch của 2 tỉnh. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng một con đường 2 điểm đến giữa Na Hang và huyện Ba Bể (Bắc Kạn), mở mới đường trục phát triển từ thị trấn Na Hang qua xã Phúc Thịnh, Xuân Quang, Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) phía tả ngạn sông Gâm, tránh đèo Cổ Yểng, không phải xây dựng cầu qua sông, mở ra không gian phát triển mới, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại cho du khách đến tham quan hồ Na Hang và hồ Ba Bể. Mới đây, Quốc hội đã nhất trí phương án xây dựng đường Hồ Chí Minh qua tỉnh nhằm tăng cường liên kết vùng, kết nối Quốc lộ 2C, 37, 2, 2D và đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, mở ra cơ hội lớn để giao lưu phát triển du lịch giữa các địa phương.
Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ sau khi hoàn thành không chỉ tạo điểm nhấn về giao thông
mà còn mở thêm cơ hội phát triển du lịch.
Tỉnh đã thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, hạ tầng nhiều khu du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế, tiêu biểu là Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) mang thương hiệu Vinpearl do Tập đoàn VinGoup đầu tư. Khu du lịch Tân Trào (Sơn Dương) đang hoàn thiện hạ tầng, trong đó điểm nhấn là Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim sẽ tạo ấn tượng sâu sắc với du khách khi đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Với tiềm năng, lợi thế và những giải pháp tháo điểm nghẽn, “đón đầu” phát triển, du lịch Tuyên Quang sẽ bứt tốc mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Theo Báo Tuyên Quang