Cuối tháng 5, Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư do đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát tuyến đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) và lòng hồ sinh thái Na Hang. Tại đây, một số tuyến đường giao thông kết nối khu vực, trong đó có cải tạo, nâng cấp tuyến Na Hang - Ba Bể đã được đoàn khảo sát, đảm bảo mục tiêu “Một hành trình, hai điểm đến”, thu hút được lượng lớn du khách từ hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) sang Khu du lịch sinh thái Na Hang và chiều ngược lại dành cho khách du lịch.
Một góc Khu du lịch sinh thái Na Hang (Ảnh chụp năm 2020).
Chiều dài tuyến khoảng 19 km; vốn đầu tư cho dự án khoảng 1.500 tỷ đồng. Dự án đường liên kết vùng kết nối hạ tầng du lịch Na Hang - Ba Bể được triển khai sẽ tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, đặc biệt là cho phát triển du lịch. Tour du lịch “một hành trình, hai điểm đến” đang được 2 tỉnh khảo sát, xây dựng để khai thác tối đa lợi thế của 2 tỉnh.
Cũng trong chuyến công tác đoàn đã khảo sát xây dựng tuyến đường nối từ Ba Bể - Bắc Kạn và từ Bắc Kạn - Cao Bằng. Dự án được đầu tư sẽ tạo cơ hội cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang phát triển du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, hang động, mạo hiểm. Đây là một trong những loại hình du lịch thu hút du khách nhất hiện nay, phù hợp định hướng phát triển du lịch của các tỉnh theo hướng bền vững, tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú thu hút ngày càng nhiều du khách.
Tại chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2021 được tổ chức tại Thái Nguyên vừa qua, các nhà khoa học và cán bộ quản lý của các ngành thuộc lĩnh vực du lịch đã đánh giá rất cao về tính đa dạng sinh học, tiềm năng thế mạnh rất lớn của Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang và Ba Bể. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng của Tuyên Quang có tiềm năng rất lớn, bởi lẽ ở đây chứa đựng những giá trị văn hóa cộng đồng rất đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, các giá trị sinh thái rất nguyên sơ, gắn với cuộc sống con người ở nơi đây. Trong thời gian tới, Tuyên Quang cần phát huy giá trị tiềm năng, thế mạnh hiện có để giữ được hệ cân bằng sinh thái. Trong đó chủ yếu là phải phát huy được những giá trị bản địa, tránh sự lai căng, thay đổi của du lịch cộng đồng do tác động mạnh của sự phát triển xã hội gây nên.
Chị Phạm Kiều Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bày tỏ, chị đã đi nhiều điểm du lịch trong nước, nhưng Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình đã để lại ấn tượng mạnh cho chị. Sự liên kết, hình thành tour tuyến với các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang… sẽ tạo sức hút để khách du lịch có thêm lựa chọn được trải nghiệm và cảm nhận hết sự hùng vĩ thiên nhiên của khu vực.
Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, phấn đấu đến năm 2025 đón trên 350.000 lượt khách du lịch, trong đó thu hút khách quốc tế trên 2.000 lượt; doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 430 tỷ đồng thì một trong những giải pháp chính của địa phương là đồng bộ hệ thống giao thông, khai thác tuyến du lịch “Một hành trình, hai điểm đến” giữa Na Hang - Ba Bể nói riêng và các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc nói chung, để du khách được khám phá nhiều điều mới lạ, hấp dẫn và khó quên nơi đây.
Theo Báo Tuyên Quang online