Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP Tuyên Quang tại Công ty Thành Tuyên.
Chị Đặng Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du lịch Thành Tuyên chia sẻ, Tuyên Quang xác định du lịch là khâu đột phá, ngành kinh tế quan trọng, do đó rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc định hình các sản phẩm du lịch để thu hút du khách về tỉnh. Chị cho rằng, các sản phẩm nông sản của tỉnh rất phong phú, nhiều sản phẩm có thương hiệu như chè Shan tuyết Na Hang, cam sành Hàm Yên, mật ong Tuyên Quang... cần có sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để cung ứng đến khách du lịch.
Nhà hàng ẩm thực của chị có trưng bày một gian hàng bán các sản phẩm OCOP của tỉnh đã thu hút được đông đảo du khách đến mua sắm sau khi đã tham quan Quảng trường Nguyễn Tất Thành và vãn cảnh đền chùa thành phố. Du khách có thể chọn ăn sáng tại nhà hàng của công ty, sau đó uống cà phê rồi mua sắm các sản phẩm nông sản của nhà hàng. Sự kết nối này rất hiệu quả, giúp du khách lựa chọn được sản phẩm hấp dẫn làm quà tặng người thân.
Tại tỉnh ta có nhiều công ty lữ hành nhưng đón khách về tham quan tại tỉnh chưa có nhiều công ty tổ chức. Chị cho rằng, tiềm năng du lịch của tỉnh rất lớn nhưng để đón được khách trải nghiệm là điều không đơn giản. Bởi vậy, chị đã kết nối với nhiều công ty lữ hành trong nước, kết nối với bạn bè ở các tỉnh giới thiệu các sản phẩm du lịch của Tuyên Quang. Cách làm này đã giúp chị kéo được khá nhiều lượng khách về Tuyên Quang, trải nghiệm homestay và thăm thú lòng hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình, ngắm hoa lê Hồng Thái…
Trong thời gian tới, công ty tiếp tục kết nối với các nhà vườn, chủ trang trại phát triển các sản phẩm OCOP, tổ chức cho du khách thăm thú, trải nghiệm các vùng sản xuất hàng hóa. Vấn đề đặt ra cần phải xây dựng cho chủ các nhà vườn, trang trại kiến thức làm du lịch để “lấy tiền” của du khách một cách hợp pháp.
Theo Báo Tuyên Quang Online