Du lịch thời kỳ mới

31/03/2021 1653 0
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động xấu đến mọi mặt của đời sống, sản xuất, kinh doanh, trong đó lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước bối cảnh đó, du lịch an toàn được đông đảo du khách lựa chọn. Tuyên Quang đã làm tốt công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, trở thành điểm đến an toàn đối với du khách.

Khởi đầu ấn tượng

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trước sự bùng phát lần thứ 3 của dịch bệnh Covid-19, người dân cả nước cũng như tỉnh ta đã không hoang mang, lo sợ mà thực hiện tốt phương châm vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của Chính phủ và của tỉnh. Hoạt động du lịch không bị ngừng trệ, những điểm đến an toàn như tỉnh ta đã được đông đảo du khách lựa chọn ngay từ đầu xuân mới.

Trong quý I-2021, tỉnh ta đã thu hút 393.488 lượt khách du lịch, đạt 17,7% kế hoạch, tăng 202,9%; doanh thu từ khách du lịch đạt 406 tỷ đồng, đạt 19,3% kế hoạch, tăng 279,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số ấn tượng, tạo đà cho thực hiện các mục tiêu về phát triển du lịch trong 5 năm tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Nổi bật năm nay là đón mùa du lịch trải nghiệm các loài hoa tại Na Hang và thành phố Tuyên Quang. Chưa khi nào chủ đề hoa lại được bàn luận và thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn đến vậy. Mùa hoa lê xã Hồng Thái (Na Hang) đã đón hàng nghìn du khách đến tham quan, có ngày Hồng Thái đón gần 4 nghìn lượt khách. Vào mùa xuân, nếu ở Sơn La có hoa mận nở trắng trời, thì ở Tuyên Quang có bạt ngàn hoa lê tinh khôi đua nở. Khách thập phương nườm nượp đổ về thưởng ngoạn, từ thị trấn Na Hang, Đà Vị, Hồng Thái “cháy” các dịch vụ ăn nghỉ. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, là lợi thế lớn của tỉnh.

Khách du lịch tham quan mùa hoa lê tại xã Hồng Thái (Na Hang) Ảnh: Quốc Việt

Đến Hồng Thái mùa hoa lê nở, du khách như được sống trong cõi thực, cõi mơ, bởi sắc trắng của loài hoa lê tan vào non nước mây trời. Chị Phan Thị Huyền ở phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) thực sự thích thú khi lần đầu tiên đến mảnh đất Hồng Thái ngắm hoa lê. Chị bảo, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thì du lịch nội tỉnh, nội địa đang là sự lựa chọn phù hợp nhất. Chị từng biết đến hoa lê Hồng Thái qua mạng xã hội, qua báo chí nhưng chưa một lần đặt chân đến vùng đất này. Nhưng năm nay chị chọn Hồng Thái là điểm đến khởi đầu của năm mới và mọi điều thật tuyệt khi chị được thỏa sức ngắm hoa, được trải nghiệm homestay với những món ăn hấp dẫn của người dân nơi này. Hồng Thái như ở lưng chừng trời, có những thửa ruộng bậc thang giắt vào núi xanh mướt lúa non. Chị đăng ảnh lên trang Facebook, Zalo của mình, rồi livestream, bạn bè và người thân của chị ở phương xa cũng tìm về Hồng Thái ngắm hoa. Chị Huyền bảo, đâu phải đi đâu xa, mà ở quê nhà cũng biết bao cảnh đẹp mơ màng, chị thấy thư thái đến lạ sau chuyến đi này, tạo động lực để làm việc tốt hơn cho năm mới.

Sau mùa hoa lê, Thành Tuyên rợp mùa hoa ban. Loài hoa ban giờ không còn là “của riêng” vùng Tây Bắc mà được trồng ở nhiều địa phương để tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch. Trên nhiều tuyến phố, hoa ban bung nở, người ta như cảm được cái vị Tây Bắc ở Thành Tuyên, khiến nhiều người thích thú. Mùa xuân, du khách về thành phố Tuyên Quang lễ đền và được ngắm hoa ban thì quả là thi vị. Ông Nguyễn Trọng Anh và người thân ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa hành hương về Tuyên Quang lễ đền. Ông tìm hiểu về Tuyên Quang qua Google, qua Báo Tuyên Quang và ông đã chọn vùng đất này cho chuyến du lịch xuân. Ông thật ngỡ ngàng khi thành phố Tuyên Quang lại trồng rất nhiều hoa ban, loài hoa ông yêu thích từ khi còn rất trẻ. Sau khi đi lễ đền, ông về Tân Trào (Sơn Dương) thăm các di tích, dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng. Chuyến đi của ông và người thân thật ý nghĩa, ông sẽ kể về Tuyên Quang với bạn bè, mong mọi người về Tuyên như về với cội nguồn cách mạng.

Du lịch xuân là khởi đầu cho các mùa du lịch trong năm, với những ấn tượng tốt đẹp của du khách, du lịch xứ Tuyên sẽ bứt phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng, mang lại nhiều giá trị cho người dân.

Định vị du lịch xứ Tuyên

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và Đề án  phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho rằng, hiệu ứng từ mùa hoa lê Hồng Thái đã mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho du lịch tỉnh nhà. Du lịch Tuyên Quang phải được định vị trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế với những sản phẩm riêng có gắn liền với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, trong đó phát triển các loài hoa đang là hướng đi phù hợp để tạo sự độc đáo, riêng có cho du lịch Tuyên Quang.

Từ mùa du lịch hoa lê Hồng Thái, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh mục tiêu đón tổng lượng khách đến tham quan trong từng năm cho phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng, các nhà khoa học nghiên cứu trồng các loài hoa mang đặc trưng theo mùa của vùng miền để du khách về Tuyên Quang thăm thú nhiều hơn. Nếu làm được điều này, Tuyên Quang thực sự là điểm đến, là nơi đáng sống của du khách. Cùng với việc đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tầm cỡ tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Sơn Dương, Yên Sơn thì xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp là hướng đi phù hợp, định vị rõ nét du lịch Tuyên Quang trong giai đoạn phát triển mới. Tới đây, các nhà vườn, trang trại, nhất là trang trại cam sành Hàm Yên phải xây dựng không gian phát triển du lịch để kết nối du khách đến thưởng ngoạn như mùa hoa lê Hồng Thái.

Chủ trương phát triển du lịch nông thôn của Tuyên Quang được các chuyên gia, nhà khoa học và du khách đánh giá cao, coi đây là lợi thế đột phá cho ngành du lịch phát triển. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Trần Văn Điền, Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây đã nhấn mạnh, Tuyên Quang có hệ động thực vật phong phú, độ che phủ rừng cao nhất nhì nước, có nhiều loài cây ăn quả đặc sản, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, truyền thống văn hóa các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Đây là những lợi thế vượt trội, không nơi nào có được để Tuyên Quang phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tuyên Quang nên trồng nhiều hoa, có loài hoa phách tím, có loài hoa mạ, có loài hoa cam… Lễ hội Thành Tuyên nổi tiếng khắp cả nước, sau khi du khách về đây dự hội lại tản đi các vùng ngắm hoa phách ở Tân Trào, thì đó quả là điều quá thú vị. Tuyên Quang hoàn toàn làm được điều này vì có đội ngũ cán bộ lãnh đạo giàu nhiệt huyết, năng động trong mời gọi thu hút đầu tư, thu hút du lịch.

Du lịch là ngành nghề kinh doanh dễ bị tổn thương nhất do tác động của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhưng với truyền thống bảo vệ và phát triển rừng của người dân đã giúp cho Tuyên Quang tránh khỏi những tác động xấu của biến đổi khí hậu, thiên tai, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn. Cùng với hàng loạt các động thái tích cực trong thu hút đầu tư phát triển du lịch, xây dựng các khu du lịch đẳng cấp quốc tế, Tuyên Quang hoàn toàn đạt và vượt mục tiêu thu hút 2,6 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025 và đón 3,2 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030, doanh thu xã hội du lịch đạt trên 4.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30.000 lao động.

                                                                                                                                  Thành Công


Đồng chí Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên,
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tỉnh đang triển khai Đề án phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Do đó, phát triển du lịch theo mùa, tạo điểm nhấn cho từng vùng, miền, bảo đảm xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tỉnh ta đã từng bước hình thành các mùa du lịch, theo đó mùa xuân gắn với du lịch trải nghiệm thưởng ngoạn hoa lê Hồng Thái (Na Hang), hoa ban thành phố Tuyên Quang và du lịch tâm linh; mùa hè phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, mùa thu có Lễ hội Thành Tuyên độc đáo, mùa đông phát  triển du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm. Đây thực sự là điểm nhấn đặc trưng của mỗi vùng trên địa bàn tỉnh, tạo dấu ấn thu hút du khách. Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư phát triển dịch vụ gắn với du lịch, bảo đảm du lịch ngày càng mang lại giá trị cho cuộc sống của người dân.


Anh Trần Việt Trọng
Phó Giám đốc Công ty du lịch trải nghiệm và khám phá Việt

Để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty đã thay đổi phương thức kinh doanh, hướng đến du lịch nội địa, đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch như phối hợp với các trường học giáo dục trải nghiệm thực tế cho các em học sinh; tổ chức các chương trình hội nghị du lịch ngắn ngày kết hợp với sự kiện; tổ chức các tour du lịch giá rẻ đưa khách hàng về những địa phương an toàn dịch như đến Hồng Thái (Na Hang) ngắm hoa lê, tham quan vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; lên Tây Bắc ngắm hoa ban, hoa tam giác mạch…


Chị Đặng Thị Dương
Chủ homestay Đặng Dương, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang)

Năm 2019, gia đình chị đã cải tạo, sửa sang lại nhà cửa làm homestay đón khách du lịch. Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo phòng nghỉ, ăn uống... phục vụ khách, chị còn quảng bá hình ảnh dịch vụ của gia đình qua mạng xã hội, công khai bảng giá dịch vụ ăn, nghỉ, các hoạt động trải nghiệm dành cho khách khi đến nghỉ tại gia đình, các sản phẩm quà tặng, lưu niệm dành cho khách mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương... Trong thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng chỗ ăn, nghỉ cho khách du lịch và mở thêm dịch vụ ngâm, tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao phục vụ du khách. 

Theo Báo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu