Hương sắc vùng cao (du lịch Tuyên Quang)

19/02/2021 2192 0
Du khách đến thăm Na Hang không chỉ ấn tượng bởi phong cảnh hữu tình, người dân hiền lành mến khách mà còn bị thu hút bởi những sản vật độc đáo miền sơn cước như chè Shan tuyết, rượu ngô, gạo nếp nương, thịt trâu khô, mật ong rừng... Đấy là hương sắc của đất trời, non nước Na Hang làm ngất ngây thực khách.

Xã Hồng Thái cách thị trấn Na Hang 50km, nằm trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ, khí hậu mát mẻ đã hình thành nên nhiều đặc sản nổi tiếng, đặc biệt là chè Shan tuyết đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà biếu Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 8-2019. 

Đó là tự hào không chỉ đối với nông sản Hồng Thái, Na Hang mà còn niềm vui chung dành cho nông sản xứ Tuyên với kỳ vọng vươn ra “biển” lớn. Cây chè Shan tuyết đã có ở Hồng Thái từ rất lâu rồi, người già cũng không ai còn nhớ nữa, chỉ biết rằng nó gắn bó với cuộc sống của đồng bào người Dao và người Mông từ khi lập làng lập bản. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP”, xã Hồng Thái đã chọn cây chè Shan tuyết để tập trung phát triển kinh tế. Nhờ đó, cây chè sau nhiều năm bị bỏ quên giờ hồi sinh sức sống, mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân. Hiện toàn xã có trên 60ha chè Shan tuyết, trong đó có nhiều gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Hiện xã có Hợp tác xã Sơn Trà chế biến chè đặc sản này, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Chè Shan tuyết Hồng Thái đã đạt tiêu chuẩn 4 sao, là thứ quà không thể thiếu của du khách mua biếu người thân dịp Tết đến, xuân về.


Người dân xã Sơn Phú (Na Hang) thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: K.T

Theo ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cùng với chè Shan tuyết, huyện Na Hang đã triển khai các chương trình, dự án nhằm phát triển cây trồng, vật nuôi, tạo ra các sản phẩm đặc trưng chủ lực. Trong đó có thể kể đến như thịt lợn đen thương phẩm Thanh Tương, vịt bầu Côn Lôn, rượu ngô Thức Mần xã Sơn Phú, bún khô Đà Vị, cá đặc sản Thác Mơ thị trấn Na Hang... Bước đầu, Chương trình OCOP đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc thay đổi nhận thức của bà con nông dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống của địa phương.

Qua 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay Na Hang đã có 7 sản phẩm được cấp nhãn hiệu, 3 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu biểu như rau an toàn Hồng Thái, Khâu Tinh; cá đặc sản Na Hang, chè Shan tuyết Hồng Thái. Một số sản phẩm khác như bún khô Đà Vị được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; cao chanh Khâu Tinh, lê Hồng Thái có tem truy xuất nguồn gốc... Các sản phẩm đang từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường, giúp gia tăng giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân. 

Nhiều sản phẩm nông sản của huyện đã được các siêu thị đặt mua, nhất là các loại cá được nuôi ở khu vực lòng hồ Na Hang. Với trên 8.000 ha mặt hồ sinh thái, nguồn nước tự nhiên sạch, lượng thủy sinh đa dạng dồi dào tạo điều kiện tốt để bà con phát triển nghề thủy sản. Đến nay, toàn huyện có trên 100 hộ nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ sinh thái, tập trung nuôi các loại cá đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng, cá bỗng... Cá Na Hang thơm ngon, thịt chắc, sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước lòng hồ. Trung bình mỗi năm, huyện thu hoạch trên 600 tấn thủy sản. 

Phát triển các sản phẩm đặc trưng đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi xã, góp phần thực hiện nhiều tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới như giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất... Đây cũng là điều kiện quan trọng để huyện thúc đẩy các hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương. Mùa xuân đã đến, hương sắc Na Hang quyện vào núi rừng, tưng bừng mùa hội mang theo những thức quà đặc sản dành tặng người thân, thật ý nghĩa nhường nào, nhân lên yêu thương...

Theo Báo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu