(TITC) - An toàn khu (ATK) Kim Quan là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng, Văn phòng Chính phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954.
Đầu năm 1953, Tiểu đoàn Công binh 333 (nay là Lữ đoàn Công binh 239) do đồng chí Lê Trung Ngôn phụ trách đã lên ATK Kim Quan dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan Trung ương. Cuối năm 1953, một bộ phận của văn phòng Trung ương Đảng, Chính Phủ đã chuyển từ văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ lên ở và làm việc tại đây. Đầu năm 1954, Bác Hồ cũng chuyển lên Kim Quan. Để đảm bảo an toàn bí mật cho Bác, Trung ương Đảng và Chính Phủ, binh chủng công binh đã đào 3 căn hầm bí mật vào sâu trong lòng núi Nà Lơi. Các căn hầm đều được ốp gỗ 3 mặt, câu móc với nhau bằng đinh đỉa chắc chắn.
Lán và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đào sâu 15m trong lòng núi Nà Lơi. Cạnh hầm là lán ở và làm việc của Bác, được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi.
Trong thời gian làm việc tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng như: phiên họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về việc chuẩn bị tham dự hội nghị Giơnevơ và về các vấn đề quân sự, ngân sách, cải cách ruộng đất (15/3/1954); tiếp nhà báo Ôxtrâylia W.Bơcsét (tháng 4/1954); cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chủ trương đàm phán ở hội nghị Giơnevơ (tháng 5/1954); tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Liên Xô Rôman Cácmen (tháng 7/1954)... Thông qua các phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ hoạch định đường lối kháng chiến mà còn cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp phê duyệt kế hoạch tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, trong đó đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Bên cạnh đó, thời gian này, Người cũng đã chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh, ban hành luật cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng, thúc đẩy kháng chiến nhanh chóng giành thắng lợi.
Tại Kim Quan, những lúc rảnh rỗi, Bác Hồ thường đi câu cá, làm thơ, viết bài đăng trên báo Cứu Quốc và báo Nhân Dân với các bài báo tiêu biểu như: Thi đua sản xuất ích nước lợi nhà, Đội thanh niên xung phong…
Hầm an toàn của Trung ương Đảng
Cách hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng 1km là hầm an toàn của Trung ương Đảng. Hầm được đào sâu vào lòng núi 60m, phía trước cửa hầm, qua một con ngòi nhỏ là hội trường Trung ương Đảng, nhà ở và làm việc của cán bộ văn phòng Trung ương Đảng và các ban của Đảng với khoảng 40 người.
Tại đây, Chính phủ, Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức nhiều cuộc họp quyết định những vấn đề quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như: Bộ Chính trị họp về giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất (ngày 12/12/1953 và từ ngày 15 - 16/1/1954); Bộ Chính trị họp và ra nghị quyết "tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, thắng chắc, đề cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ" (ngày 19/4/1954); Hội đồng Chính phủ họp bàn về các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế (từ ngày 15 - 16/5/1954); Ban chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần 6 (khóa 2) mở rộng quyết định chuyển cách mạng nước ta từ "kháng chiến đến cùng" sang giai đoạn mới, thực hiện khẩu hiệu hòa bình "thống nhất độc lập dân chủ" (từ ngày 16 - 18/7/1954).
Hầm an toàn của Chính phủ
Hầm được đào sâu vào lòng núi khoảng 40m. Từ căn hầm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đoàn đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ đã đến trụ sở cố vấn Trung Quốc tại Nà Ho (xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông La Quý Ba và ông Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn cố vấn quân sự, chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam. Đầu tháng 3/1954, sau cuộc họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về việc tham dự hội nghị Giơnevơ, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên đường sang thành phố Giơnevơ (Thụy Sỹ) dự hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngoài ra, trong cụm di tích ATK Kim Quan còn có di tích Văn phòng Tổng Bí thư - nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và cán bộ, nhân viên văn phòng Trung ương Đảng; di tích Ban Tổ chức Trung ương - nơi Ban Tổ chức Trung ương ở, làm việc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954.