Cách trung tâm huyện 10km, xã Phúc Yên (Lâm Bình) mang trong mình nét bình yên, hoang sơ khác biệt. Những ngôi nhà sàn truyền thống của bản làng người Tày, hang động Pài Pó với nhũ đá tuyệt đẹp, làng chài Phúc Yên thơ mộng, suối Phiêng Mơ chảy rì rào, đồi Mâm Xôi gắn sự tích tiên nữ nhà trời… Tất thảy đều khiến du khách thích thú khám phá.
Những con đường dốc núi quanh co dẫn lối du khách vào những bản làng người Tày, người Dao với những cái tên thú vị: Khau Cau, Phiêng Mơ, Nà Khậu, Tấng, Thàng, Bon. Mỗi bản có cảnh quan, vẻ đẹp riêng biệt nhưng điểm chung đó là nét hồn hậu, thật thà, thân thiện của người dân miền núi nơi đây.
Bản Bon là một trong những điểm du lịch được nhiều du khách chọn lựa. Bản làng người Tày có 35 hộ dân, tạo ấn tượng với những mái nhà sàn dưới triền núi. Những rừng cọ cao vút, lô nhô tỏa bóng mát trên con đường dẫn lối vào bản. Trưởng thôn Quan Văn Tình cho biết, ở thôn có nhiều nhà sàn trên 40 - 50 năm. Toàn bộ cột, kèo và tường đều được làm bằng thân cây chò, sàn nhà được trải bằng gỗ phách và thân tre; mái đều được lợp bằng lá cọ. Với những kết cấu đặc trưng như này tạo sự thoáng mát, thích hợp với nghỉ dưỡng.
Theo chân người dân Bản Bon du khách được trải nghiệm suối đá, thác nước... Đặc biệt có hang Pài Pó với nhũ đá tuyệt đẹp có lịch sử hàng trăm năm. Hang có chiều dài khoảng 1 km, rất thích hợp cho khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm.
Đồi Mâm Xôi thuộc thôn Nà Khậu. Tương truyền đây là nơi từng được các nàng tiên nhà trời chọn làm chỗ dừng chân khi dạo chơi trần gian. Các nàng mở tiệc, hát, múa tạo nên khung cảnh hư ảo tuyệt đẹp. Và khi các nàng bay về trời, dấu tích để lại là ngọn đồi hình chiếc bát úp, tựa như mâm xôi trong buổi yến tiệc nhà trời. Từ đấy người dân người Dao Nà Khậu đặt tên là đồi Mâm Xôi. Ông Lý Văn Sinh, 70 tuổi cho biết, đồi có diện tích khá rộng, đứng từ trên đỉnh đồi có thể nhìn ngắm bao quát được không gian xa ngút tầm mắt.
Những năm gần đây Làng Chài Phúc Yên là địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách. Chị Nghiêm Thị Thanh (Hà Nội) cho biết, đây có nhiều đảo đá, với nhiều hình thù khác nhau. Trên vách núi xung quanh hồ, hàng chục thác nước đổ xuống tung bọt trắng xóa. Mọi thứ ở đây còn rất nguyên sơ, hoang dại, trong lành. Một số đảo có đàn cò, vạc quần tụ sinh sống.
Nhận thấy những tiềm năng phát triển du lịch ở Phúc Yên, UBND huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với xã thực hiện quy hoạch tổng thể, chi tiết phát triển du lịch tại xã.
Cuối năm 2018, Bản Bon được huyện Lâm Bình lựa chọn làm mô hình du lịch homestay. Sau gần 4 tháng, mô hình du lịch cộng đồng homestay tại Bản Bon cơ bản đã hoàn thành. Gia đình anh Nông Văn Đát, một trong 5 hộ được lựa chọn làm dịch vụ homestay chia sẻ: “Chúng tôi được xã tổ chức đi học hỏi kinh nghiệm mô hình homestay ở các xã Lăng Can, Thượng Lâm. Ngoài ra, còn được doanh nghiệp đầu tư phông rèm, chăn ga gối đệm, điện thắp sáng, nhà vệ sinh. Chúng tôi sẵn sàng chào đón du khách đến khám phá mảnh đất nơi đây”.
Trong tháng 3 vừa qua, UBND huyện cũng đã mời gọi các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đến khảo sát đầu tư tại đồi Mâm Xôi. Hiện tại Công ty Lữ hành FiveStar travel Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng điểm du lịch nghỉ dưỡng tại địa điểm này, bao gồm các mô hình lán cọ kết hợp với trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa người Dao Đỏ Nà Khậu.
Ông Chẩu Văn Đội, Chủ tịch UBND xã Phúc Yên cho biết, để Phúc Yên trở thành điểm du lịch thu hút du khách, hiện nay UBND xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân để vừa đảm bảo phát triển du lịch nhưng vẫn giữ gìn nguyên trạng cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, xã tập trung phát huy các loại hình văn hóa, trò chơi dân gian, ẩm thực, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Bên cạnh đó, xã lựa chọn và bồi dưỡng người dân địa phương trở thành hướng dẫn viên du lịch, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Nguồn: Báo Tuyên Quang