TỪ LỄ HỘI THÀNH TUYÊN: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH

24/09/2019 1973 0
Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu của Tuyên Quang, in đậm trong tâm trí của đông đảo người dân cả nước và du khách quốc tế. Từ Lễ hội Thành Tuyên đặt ra những bài học cho phát triển du lịch tỉnh nhà, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.


Du khách tìm hiểu sản phẩm du lịch của huyện Lâm Bình tại Lễ hội Thành Tuyên 2019. Ảnh: Quốc Việt.

Trong các loại hình du lịch thì du lịch lễ hội có thời gian ngắn nhất, thường chỉ diễn ra trong vài ngày nên rất khó để phát triển dịch vụ bền vững. Song Lễ hội Thành Tuyên có lẽ là lễ hội dài nhất, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 8 âm lịch đến qua ngày rằm. Đây là nét độc đáo của Lễ hội Thành Tuyên. Thời gian tổ chức lễ hội dài hơn nên các dịch vụ cũng khá phát triển, thu nhập của người làm dịch cũng “dài” hơn so với các lễ hội khác. Từ những giá trị mà lễ hội mang lại đặt ra vấn đề là làm thế nào để các loại hình du lịch khác cũng sôi động như du lịch Lễ hội Thành Tuyên, và từ lễ hội này kết nối với các loại hình du lịch khác như thế nào. Đây là câu chuyện dài hơi đã được tỉnh ta đề ra chiến lượt phát triển, để người dân có thể làm giàu từ du lịch, dịch vụ.


Gian hàng giới thiệu nông sản đặc sản của thành phố Tuyên Quang
tại Lễ hội Thành Tuyên. Ảnh: Quốc Việt.

Lễ hội Thành Tuyên đã hình thành và phát triển được 15 năm, do người dân làm chủ thể đã thu hút lượng khách lớn đến tham quan, trải nghiệm. Đây thực sự là mùa làm ăn với nhiều dịch vụ đa dạng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực tế vẫn chỉ là những dịch vụ “ăn theo”, chưa mang tính bền vững, đặc biệt là chưa phát huy được lợi thế của các sản phẩm nông sản độc đáo của các địa phương; thiếu tính kết nối với các loại hình du lịch khác. 

Tuyên Quang có nhiều sản phẩm nông sản độc đáo. Chè Shan tuyết Na Hang được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào cuối tháng 8 vừa qua. Shan tuyết là loại chè đặc sản, được trồng trên vùng núi cao của huyện Na Hang, có hương vị đặc trưng và ngọt hậu, được nhiều người ưa chuộng. Nhưng rất tiếc, sản phẩm này lại chưa đủ để cung ứng cho thị trường. Vào mùa Lễ hội Thành Tuyên, nhiều du khách đặt mua sản phẩm này nhưng không có để bán. Tại các gian hàng trưng bày nông sản diễn ra trong khuôn khổ lễ hội thì sản phẩm Shan tuyết mới dừng lại ở dạng “mô hình”, khách đặt mua số lượng lớn thì chưa đáp ứng được. Theo UBND huyện Na Hang, hiện tại trên địa bàn huyện có hơn 1.200 ha chè Shan tuyết, tập trung nhiều ở Hồng Thái, Sinh Long, Sơn Phú. Nhu cầu thị trường, nhất là vào dịp Lễ hội Thành Tuyên tương đối lớn nhưng huyện không thể mở rộng được diện tích vì phải bảo đảm cho công tác bảo vệ rừng. Vấn đề đặt ra hiện nay và trong thời gian tới của huyện là tăng cường thâm canh, chăm sóc diện tích chè hiện có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè; chú trọng thực hiện sản xuất, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ để gia tăng giá trị sản phẩm, làm lợi cho người trồng chè. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển những cây chè cổ thụ, tạo thành vùng chè đặc sản độc đáo để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Câu chuyện phát triển chè Shan tuyết cũng là bài học giá trị cho việc phát triển các nông sản đặc sản của tỉnh phục vụ du lịch, tạo nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. 


Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Na Hang. Ảnh: Quốc Việt.

Việc kết nối giữa các loại hình du lịch trong mùa du lịch Lễ hội Thành Tuyên cần được đặt ra làm thế nào để du khách có cơ hội tiêu tiền trong một hành trình trải nghiệm. Anh Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Gia Tuyên Quang (TP Tuyên Quang) nhấn mạnh, việc kết nối giữa các loại hình du lịch là yếu tố quan trọng để tạo dấu ấn với du khách và mang lại giá trị thực sự cho phát triển ngành du lịch. Thực tế thì lượng khách đến Tuyên Quang trải nghiệm Lễ hội Thành Tuyên rất lớn nhưng đa phần họ mới chỉ dừng chân ở thành phố, chưa có nhiều đoàn khách tiếp tục tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. Để làm tốt điều này, yếu tố cốt lõi là phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để tạo hứng thú với du khách trong hành trình trải nghiệm du lịch xứ Tuyên.


Người dân thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Quốc Việt.

Từ những vấn đề nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng phát triển hạ tầng du lịch, đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo kết nối để phát huy giá trị của kinh tế du lịch tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tập đoàn VinGroup đã động thổ Dự án khu vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; Tập đoàn FLC đã tiến hành các đợt khảo sát xây dựng dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại Tú Thịnh, Minh Thanh (Sơn Dương); Thái Long (TP Tuyên Quang) và Trung Môn (Yên Sơn). Đây là cơ sở quan trọng để tăng tính kết nối du khách tham quan các loại hình du lịch. Các dự án khi đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ giữ chân du khách ở lại Tuyên Quang lâu hơn khi về dự Lễ hội Thành Tuyên hàng năm. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch, thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch và sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch đã được tỉnh triển khai thực hiện tạo động lực phát triển du lịch trong thời gian tới.

Những biện pháp kết nối các loại hình du lịch trong thời gian tới sẽ mang lại giá trị lớn cho người dân, thu hút đông đảo nhân dân tham gia làm du lịch như Lễ hội Thành Tuyên. Khi người dân làm chủ thể trong phát triển du lịch, dịch vụ sẽ mang lại giá trị bền vững trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. 

Theo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu