THÁCH THỨC TRONG XÂY DỰNG LÀNG VĂN HÓA THÔN KHÂU TRÀNG

20/09/2021 1427 0
“Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện” là 1 trong 2 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Cụ thể hóa Nghị quyết, tháng 8-2021, UBND huyện ban hành dự thảo Đề án Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng, giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng thành công làng văn hóa sẽ tạo điểm nhấn trong bức tranh du lịch của huyện tương lai không xa. Nhưng để hiện thực hóa đề án này còn nhiều việc phải làm.

Tiếp tục quan tâm xây dựng hạ tầng du lịch

Khâu Tràng là thôn trung tâm xã với 94 hộ gia đình, 446 nhân khẩu, dân tộc Dao Tiền chiếm 99% dân số. Giai đoạn 2016 - 2020, xã đã thu hút trên 44.600 lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 20,9 tỷ đồng. Trong đó, thôn Khâu Tràng giữ vị trí trung tâm thu hút khách du lịch đến với Hồng Thái với tiềm năng du lịch cộng đồng homestay. Người dân Khâu Tràng vốn chỉ biết đến sản xuất nông nghiệp thuần túy, nay đã biết bắt tay vào làm du lịch cộng đồng.  

Đồng chí Ma Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, qua đánh giá thực trạng phát triển du lịch của thôn, hiện nay hạ tầng du lịch của thôn còn nhiều hạn chế. 5 năm qua, người dân địa phương đã phát huy nội lực, đầu tư xây dựng được 2 cơ sở lưu trú với 10 phòng, 20 giường ngủ phục vụ khách du lịch. Hiện nay, trong thôn có 6 hộ kinh doanh dịch vụ homestay. Ngoài ra, thôn có 3 cơ sở phục vụ ăn uống. Thực tế cho thấy, cơ sở lưu trú, ăn uống phục vụ du lịch homestay tại đây có lúc, có thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Chỉ tính đầu năm 2021, ước tính có trên 10.000 lượt khách du lịch đến đây. Lượng khách tương đối lớn nhưng cơ sở hạ tầng, vật chất của thôn chưa đáp ứng được nên không giữ chân du khách được lâu.

Lãnh đạo UBND xã Hồng Thái vận động người dân thôn Khâu Tràng cải tạo nhà ở gắn với phát triển du lịch homestay.

Khắc phục khó khăn này, xã Hồng Thái đặt ra mục tiêu đến năm 2025, vận động nhân dân cải tạo ít nhất 40 nhà homestay là nhà gỗ truyền thống, có mái âm dương. Nhà homestay có công trình phụ khép kín, có nơi thu gom rác thải, hệ thống chuồng trại gia súc được nuôi ra xa nhà hoặc bố trí theo một khu để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Khuôn viên nhà cửa được cải tạo hiện đại nhưng vẫn giữ được văn hóa truyền thống, lễ tân phục vụ chuyên nghiệp. Ước tính, mỗi hộ phải tự đầu tư ít nhất 200 triệu/hộ mới có thể đảm bảo yêu cầu đề ra. Một thách thức nữa đặt ra đó là hiện nay, kiến trúc nhà ở của một số hộ đang có sự thay đổi, không giữ nguyên được kiến trúc ngôi nhà truyền thống của người Dao; xuất hiện nhiều nhà xây bê tông cốt thép, mái lợp tôn lạnh...

Những thách thức...

Theo đồng chí Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã, nguồn nhân lực còn hạn chế cũng là thách thức nhất đối với Khâu Tràng trong xây dựng Làng văn hóa.

Những năm qua, thực hiện giải pháp về giảm nghèo, xã đã làm tốt công tác vận động hiệu quả con em đi xuất khẩu lao động trong và ngoài nước. Hàng năm, thôn Khâu Tràng có khoảng 50% dân số thường xuyên đi lao động ngoài địa phuơng, đa phần là thanh niên, phụ nữ... Do đó, nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch bị thiếu do thanh niên, phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong phát triển Làng văn hóa du lịch cộng đồng.

Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng; đối tượng chủ yếu là chủ homestay và thanh niên, phụ nữ đang trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, tính thời vụ du lịch chi phối lớn đến việc tổ chức và sử dụng nhân lực. Thêm nữa, do hoạt động liên kết tua, tuyến, liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài nước chưa thực sự phát triển nên khách du lịch đến địa phương chủ yếu là khách tự do, số lượng không ổn định, không thường xuyên. Bởi vậy, nhân lực phục vụ du lịch của xã, thôn cũng theo thời vụ, biến động liên tục do tranh thủ lúc nông nhàn đi làm ăn xa.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, cải tạo, nâng cấp cảnh quan khuôn viên nhà homestay chưa đồng bộ. Đội văn nghệ dân gian hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa chuyên nghiệp. Người dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong cải tạo lại nhà cửa; chưa mạnh dạn mua sắm trang thiết bị để phục vụ đoàn khách du lịch. Công tác khôi phục làng nghề truyền thống chưa thực hiện được; các mô hình sản xuất, hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch chưa đa dạng.

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Theo Đề án, kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là trên 17,6 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 14 tỷ đồng, còn lại huy động nguồn lực của nhân dân. UBND huyện đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm như tuyên truyền và xúc tiến quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường; đảm bảo chất lượng dịch vụ thực phẩm, đồ uống; đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng chỗ ở; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ; mở rộng kết nối du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, dịch vụ du lịch thân thiện. Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025, thôn Khâu Tràng đạt Làng văn hóa du lịch cộng đồng, đón tiếp và phục vụ tốt khách du lịch trong nước và quốc tế, trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng. Tất cả các hộ trong làng đều cung cấp dịch vụ du lịch và được hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch.

Phụ nữ Dao tiền thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái gìn giữ nghề thêu truyền thống.

Từ nay đến hết năm 2021, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban phối hợp với UBND xã tập trung hoàn thành quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phân khu chức năng Làng văn hóa du lịch. Theo đó, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; điểm dừng chân, bãi đỗ xe, các điểm “check in”, đường lên và xuống vườn lê. Các hộ làm du lịch homestay sẽ được lắp đặt hệ thống wifi, công nghệ số; lắp đặt hệ thống chiếu sáng tuyến đường vào các nhóm hộ. UBND huyện chỉ đạo tổ chức cho các hộ gia đình làm homestay đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình làm du lịch cộng đồng, tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch; xây dựng và kiện toàn đội văn nghệ dân gian phục vụ du khách.

Trước những khó khăn, hạn chế trong xây dựng Đề án, Đảng ủy, UBND xã tập trung tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của từng năm đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Toàn Đảng bộ coi thực hiện Đề án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong cả nhiệm kỳ. Ngay trong tháng 8, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo vận động, giao việc “đột phá” cho 4 cán bộ xã là người dân Khâu Tràng cải tạo nhà ở, nhà vệ sinh. Qua đó, nâng tổng số nhà homestay lên 10 hộ. Từ nay cho đến cuối năm, các tổ chức chính trị - xã hội của xã vận động nhân dân trồng cây hoa, cây cảnh, làm hàng rào tại mỗi hộ gia đình và hai bên đường.

Ngôi nhà homestay của cơ sở kinh doanh homestay Mắc Cọp, thôn Khâu Tràng vừa hoàn thành trong tháng 8-2021 sau nhiều tháng nâng cấp, sửa chữa. Nguồn vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Chủ cơ sở là chị Bàn Thị Thương, 28 tuổi, dân tộc Dao, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã. Chị Thương cho biết, là cán bộ xã, gia đình chị đã tiên phong trong cải tạo nhà ở để phục vụ du lịch. Cũng giống như xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân là chủ thể chính, chủ động nguồn lực để xây dựng, cải tạo, thực hiện các nội dung Đề án Làng Văn hóa theo định hướng của cấp trên. Ngoài ngôi nhà vừa nâng cấp, những năm qua, gia đình chị tự đầu tư khoảng 600 triệu đồng để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Trưởng thôn Khâu Tràng Bàn Văn Khoải háo hức, chỉ mấy năm nữa thôi, Làng văn hóa Khâu Tràng trở thành điểm đến lý tưởng 4 mùa. Người người, nhà nhà làm du lịch, chất lượng cuộc sống người dân nâng lên mà vẫn giữ được nếp nhà, bản sắc văn hóa của người Dao Tiền. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhiều việc phải làm xong sự quyết tâm, đồng lòng, mỗi người dân Khâu Tràng sẽ phát huy sức mạnh nội sinh, góp sức người, sức của xây dựng Làng văn hóa trở thành nơi đáng sống.

Theo Báo Tuyên Quang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu