Du xuân vùng cao

31/01/2023 898 0
Du Xuân sau Tết Nguyên đán đã trở thành phong tục của người Việt Nam. Các xu hướng chính của du khách lựa chọn thường là du lịch tâm linh đầu năm và số khác thường chọn tới vùng cao vào Xuân bởi đây là mùa hoa đào, hoa mận, hoa lê, hoa cải… đua nở và để tận hưởng không khí của nhiều lễ hội đặc sắc. Dịp nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 21 đến ngày 25-1 toàn tỉnh đón đón trên 58.000 lượt khách du lịch, tăng 53% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch đạt gần 60 tỷ đồng.

Các trò chơi dân gian của người vùng cao được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Tháng Giêng về mang theo hơi ấm của mùa xuân, xua tan đi những lạnh lẽo mùa đông. Từng tia nắng ấm áp của mùa Xuân ùa về mang đến vẻ đẹp sống động của núi rừng. Hoa mận, hoa đào, hoa lê, hoa cải… nở khắp núi rừng như đón chờ du khách tham quan, thưởng ngoạn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp anh Trịnh Long Vũ, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) chọn huyện Chiêm Hoá, Na Hang và Lâm Bình là điểm du xuân. Anh Vũ chia sẻ: “Tôi là người Tuyên Quang nên mình thường chọn du lịch tại tỉnh bởi du lịch tại tỉnh rất thú vị, vừa có du lịch tâm linh vừa được hoà mình vào các lễ hội và phong cảnh ở vùng cao. Tôi đặc biệt ấn tượng với nghi lễ nhảy lửa của người Dao đỏ, xã Trung Hà (Chiêm Hoá) vừa được tổ chức trong dịp Tết vừa qua và mùa hoa lê xã Hồng Thái (Na Hang)".

Những năm gần đây, Na Hang nổi lên như một điểm du xuân hấp dẫn du khách trên mọi miền Tổ quốc với những vườn hoa lê của xã Hồng Thái nở rộ. Để đa dạng các loại hình du lịch phục vụ du khách, ngay từ đầu năm huyện Na Hang đã có kế hoạch tổ chức các lễ hội và sự kiện du lịch xuân năm 2023 với nhiều hoạt động hấp dẫn. Trong đó, điểm nhấn là du lịch Hồng Thái với nhiều hoạt động được tổ chức như: không gian ẩm thực, chạy marathon, tham quan và chụp ảnh (check in) vườn hoa lê, tuyến đường hoa lê; hoa cải tại ruộng bậc thang, vườn chè cổ thụ, thăm cơ sở chế biến chè; cắm trại ngoài trời, trải nghiệm thêu, vẽ sáp ong của người Dao Tiền...

Các nghi lễ của người Dao đỏ, thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) được phục dựng lại phục vụ du khách.

Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động du lịch mới như: Công bố chỉ dẫn địa lý rượu ngô Na Hang, Festival chè Shan tuyết Na Hang, khai trương du thuyền cao cấp và hoạt động cắm trại tại Phiêng Bung, một số đảo trên hồ của huyện Na Hang, nhảy lửa dân tộc Dao đỏ, hoạt động chợ đêm và tuyến phố đi bộ, tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của huyện; dù lượn, đua xe đạp, đua mảng, đua mô tô, ô tô bán tải, khám phá và trải nghiệm đường rừng... và một số sản phẩm mới tại địa phương; kết nối các tua tuyến du lịch với các huyện, các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Huyện Lâm Bình với 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó phổ biến là dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn… Các dân tộc nơi đây vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống vốn có, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục cho đến các tín ngưỡng dân gian, làn điệu dân ca, trò chơi và lễ hội truyền thống trong những dịp Tết… Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, các lễ hội đều do nhân dân làm chủ thể, gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc. Mọi người đến với lễ hội luôn nêu cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, không xô đẩy, chen lấn. Mùa lễ hội đã mang đến niềm vui, sự đoàn tụ gắn kết cộng đồng, tạo ấn tượng tốt với du khách.

Đội văn nghệ xã Thượng Lâm (Lâm Bình) biểu diễn tiết mục hát then, đàn tính phục vụ du khách.

Lễ hội Xuân huyện Lâm Bình, các xã đều tổ chức ngày hội văn hoá các dân tộc mang đậm bản sắc dân tộc. Các trò chơi dân gian ngoài đánh cù, tung còn, đánh pam thì năm nay có thêm múa sạp, có gian hàng quảng bá không gian văn hóa người Tày, người Dao. Du khách có thể tham gia hoạt động như lễ xuống đồng, hội tung còn, đánh yến, đẩy gậy, kéo co hay thưởng thức nghệ thuật múa khèn của người Mông, Nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao, Nghi lễ nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn hay lễ giã cốm, làm bánh trứng kiến của dân tộc Tày...

Với hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng (Homestay), đến với Lâm Bình, du khách có thể được thư giãn trong những ngôi nhà sàn trăm năm tuổi của đồng bào sân tộc Tày, những căn nhà gỗ của dân tộc Dao hay nhà trình tường của người Mông. Cùng với đó là tham gia vào không gian sinh hoạt văn hóa thường ngày của bà con như hái rau, làm ruộng, bắt cá suối, chăn trâu…

Với những lợi thế riêng có về thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa, những tiềm năng du lịch của các xã vùng cao đang được đánh thức và ngày càng được nhiều người biết, tìm đến tham quan, trải nghiệm trong những ngày đầu năm. 

Theo Báo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu