Hướng phát triển du lịch ở Kim Phú

02/12/2021 1507 0
Người Cao Lan ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, là lợi thế để xây dựng và phát triển làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đây không chỉ là một hướng đi mới để bà con nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của thành phố mà còn là giải pháp tích cực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan.

Phát huy lợi thế

Người dân tộc Cao Lan ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) hiện nay vẫn còn lưu giữ được 2 ngôi đình làng là Đình Giếng Tanh và Đình Gò Danh với các lễ hội văn hóa truyền thống, các nghi lễ, trò chơi dân gian thú vị như: Cấp sắc, tung còn, nhảy lửa, đẩy gậy... Hai ngôi đình được người Cao Lan coi như là “linh khí” của họ. Trước đây, đó là nơi sinh hoạt tâm linh và các sinh hoạt văn hóa của riêng người dân tộc Cao Lan trong nội bộ làng. Nhưng nay, do sự giao thoa về văn hóa thì nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh chung của nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn xã và các vùng, xã lân cận. Đình Giếng Tanh đã được UBND tỉnh công nhận xếp hạng “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh năm 2007. Ở đây, còn có giếng cổ gọi là “Giếng Tanh” mà chữ “Tanh” theo tiếng gọi của người Cao Lan thì có nghĩa là trong sạch, thuần khiết. Chiếc giếng này còn có nhiều câu chuyện tâm linh rất linh thiêng, ly kỳ.

Hiện nay, UBND thành phố đang triển khai xây dựng Đề án “xây dựng Làng văn hoá dân tộc Cao Lan” gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn: 12, 13, 14, 15 của xã. Trong Làng văn hóa còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Cao Lan như: Phong tục, tập quán, nhà ở, tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực... Hiện ở làng có 80 hộ vẫn lưu giữ được nếp nhà sàn truyền thống, trong đó có 25 nhà sàn gỗ nguyên bản, 55 nhà sàn bê tông xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Người dân vẫn duy trì, lưu giữ sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội, Tết và các ngày trọng đại; còn lưu truyền được các làn điệu Sình ca đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và các điệu múa truyền thống như: Xúc tép, chim gâu hay nhiều món ăn truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Xôi đen, bún vắt, xôi ngô non, xôi lá gừng, xôi ngũ sắc, bánh chưng bố, bánh chưng mẹ. Chữ viết và tiếng nói của người Cao Lan cũng đang tiếp tục được bảo tồn và gìn giữ thông qua việc truyền dạy trong gia đình, dòng tộc hoặc qua các buổi sinh hoạt các Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ Sình ca.

Gia đình ông Hoàng Liên Sơn, thôn 15 đã đầu tư, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa sạch sẽ để làm Homestay.

Một trong những lợi thế nữa, đó là từ năm 2016, ở xã cũng đã có 5 hộ ở thôn 15 thực hiện mô hình Homestay theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Làng văn hóa Giếng Tanh gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Tuyên Quang”. Các hộ này đã bước đầu được tham gia lớp tập huấn do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức và cơ bản biết cách làm dịch vụ du lịch cộng đồng. Một số hộ đã sắm sửa, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện để du khách lưu trú, với số lượng khách khoảng 20 người/hộ.

Cần sự đầu tư bài bản

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Kim Phú luôn quan tâm chỉ đạo, đề ra các giải pháp để thực hiện công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Từ năm 2014, UBND xã đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động thành lập được CLB giữ gìn bản sắc văn hóa người Cao Lan ở thôn 14, CLB văn nghệ Sình ca ở thôn 15. Mỗi CLB duy trì từ 15 - 20 thành viên, sinh hoạt 1 lần/tháng. Thành viên của các CLB có nhiều đối tượng, cả người cao tuổi và trẻ nhỏ. Các thành viên “nhí” được các cụ ông, cụ bà và thành viên CLB trao truyền những điệu múa, bài hát Sình ca của người Cao Lan... Các CLB thường xuyên tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ trong các hội thi, các chương trình giao lưu, các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn, nhỏ ở thôn, xã, thành phố và tỉnh. Cùng với đó, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân mặc trang phục đồng bào dân tộc mình vào các dịp lễ, Tết, những ngày hội lớn của đất nước hoặc của địa phương.

Để tiến tới xây dựng và thực hiện Đề án xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Kim Phú theo chủ trương của thành phố, Đảng ủy, UBND xã đã có những buổi làm việc, trao đổi với nhân dân ở 4 thôn, tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu. Xã vận động các hộ có ý thức giữ gìn, lưu giữ những vật dụng, những bộ trang phục nguyên bản của người Cao Lan, giữ nguyên bản những ngôi nhà sàn truyền thống; vận động các hộ làm nhà mới làm nhà sàn, thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, đoàn kết, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa... Nhân dân đều hiểu và đồng tình ủng hộ khi triển khai thực hiện Đề án. Tuy nhiên, để xây dựng được Làng Văn hóa thì vẫn là cả một chặng dài với nhiều việc phải làm.

Ông Hoàng Liên Sơn, chủ hộ làm Homestay chia sẻ, gia đình ông là 1 trong 5 hộ đã thực hiện làm dịch vụ Homestay đầu tiên ở thôn 15. Từ năm 2016, gia đình ông cũng đã chỉnh trang nhà cửa, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt để phục vụ khi khách ở lại lưu trú. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình ông cũng mới chỉ đón được 2 - 3 đoàn khách đến nghỉ lại vào dịp Lễ hội Thành Tuyên. Khách đến theo đoàn khoảng 20 người, chủ yếu là sinh viên đại học. Có cả khách nước ngoài nhưng đi đơn lẻ. Khách đến đây chủ yếu là ngủ nghỉ đơn thuần với mức giá 50.000 đồng/người/đêm. Dịch vụ ăn uống tại gia cho các đoàn khách đông chưa đáp ứng được. Các đoàn khách thường chọn đi ăn ở nơi khác. Do chưa tổ chức được các hoạt động trải nghiệm về bản sắc văn hóa và chưa có các địa điểm chụp ảnh lưu niệm đẹp nên chưa thu hút để níu chân được du khách. Do vậy nguồn thu nhập từ dịch vụ chưa đáng kể.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Việt Nga cho biết thêm, để thực hiện xây dựng Làng Văn hóa trong thời gian tới, xã Kim Phú sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Xã mong muốn được Nhà nước, các doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ về kinh phí để xây dựng, mở rộng các con đường bê tông liên thôn, liên xã để thuận lợi trong việc đi lại, đón khách du lịch. Bên cạnh đó, cần tu bổ, nâng cấp khuôn viên Đình Giếng Tanh, Đình Gò Danh; hỗ trợ các hộ làm homestay xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ khách lưu trú... Xã cũng cần xây dựng được các làng nghề truyền thống; các địa điểm vui chơi, luyện tập thể dục thể thao cho nhân dân trong thôn và phục vụ khách du lịch; xây dựng các đường hoa, tạo điểm ghi hình, chụp ảnh hấp dẫn. Việc xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu các sản phẩm hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng văn hoá các dân tộc thiểu số của địa phương; xây dựng các bãi đỗ xe là rất cần thiết. Xã cũng sẽ định hướng để nhân dân đa dạng hóa các loại hình du lịch, các sản phẩm trải nghiệm của Làng Văn hóa; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại chỗ. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó phải xây dựng bản đồ làng văn hóa du lịch, xây dựng các biển quảng cáo, các biển chỉ dẫn du lịch và quan trọng hơn nữa đó là xây dựng, kết nối tour, tuyến du lịch với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Theo Tuyên Quang Online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu