19 điểm du lịch trực tuyến tại Tuyên Quang qua VR360

12/12/2022 1372 0
Tuyên Quang nơi vẻ đẹp hội tụ - là điểm đến của đông đảo du khách trên mọi miền

Thực tế ảo (VR360) được biết đến nhiều trong các lĩnh vực giải trí, bất động sản, y học và nhiều khía cạnh khác trong đời sống. Tuy nhiên, cho đến nay xu hướng ứng dụng VR360 trong lĩnh vực du lịch mới được quan tâm rộng rãi. Du lịch ảo hay du lịch thực tế ảo là bước tiến mới của ngành du lịch, là cơ hội để quảng bá, truyền thông theo cách mới, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm, hứa hẹn sự trở lại bùng nổ của ngành du lịch

Thực tế ảo (hay VR) là môi trường mô phỏng thế giới thực hoặc là môi trường giả lập, được tạo ra bởi con người và các phần mềm chuyên dụng. Trong môi trường thực tế ảo bạn có thể trải nghiệm cảm giác chân thực tới từng giác quan.

Xin mời du khách du lịch trực tuyến Tại Tuyên Quang thông qua 19 điểm du lịch tích hợp VR360

1. Quảng trường Nguyễn Tất Thành

Quảng trường Nguyễn Tất Thành có diện tích rộng trên 8,5 ha. Trung tâm là Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, gồm 2 phần: Phía trước là nhóm tượng 7 nhân vật, trong đó tượng Bác Hồ ở vị trí trung tâm, cao 7,9m; xung quanh là các nhân vật đại diện cho lực lượng vũ trang, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, công nhân và trí thức, mô phỏng chuyến thăm và nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vào tháng 3 năm 1961; phía sau là phù điêu biểu tượng cây đa Tân Trào, di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam... và khắc họa một số hình ảnh hoạt động, sinh hoạt văn hóa, kinh tế… của tỉnh Tuyên Quang.

Gắn kết với Tượng đài là công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đền được thiết kế hình chữ Đinh với 3 gian, 2 chái, phía sau gồm 2 gian. Toàn bộ khung gỗ gia công bằng gỗ lim, cấu kiện được đục chạm hoa văn trang trí bề mặt; nội thất phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc Việt; vật liệu chủ yếu là gỗ lim, gỗ mít. Các họa tiết, hoa văn trang trí mang đậm nét đặc trưng văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành với điểm nhấn là Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc và là công trình kiến trúc tiêu biểu kính dâng lên Bác Hồ kính yêu. Công trình là biểu tượng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/13QuangTruong

2. Đền thờ Bác Hồ

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại chân núi Thổ Sơn gắn kết với nhóm Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” trong khuôn viên Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang. Chính tại khu vực Quảng trường này, năm 1961, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ về thăm và nói chuyện. Đền thờ là công trình mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang với Bác Hồ kính yêu.

Đền có cấu trúc là ngôi nhà đại khoa, phía trước là 3 gian, 2 chái, phía sau gồm 2 gian. Toàn bộ khung gỗ gia công bằng gỗ lim, cấu kiện được đục chạm hoa văn trang trí bề mặt; nội thất phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc Việt; vật liệu chủ yếu là gỗ lim, gỗ mít và gỗ thị. Các họa tiết, hoa văn trang trí mang đậm nét đặc trưng văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Công trình hài hòa với tổng thể chung của Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Quy mô, tỉ lệ, hình thức phù hợp nhu cầu sử dụng trong những dịp tổ chức sự kiện, lễ hội.

Gian chính ngôi Đền có bức đại tự “Chính Đại Quang Minh” và hai câu đối do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết: “Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người”.

Việc đầu tư xây dựng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và Quảng trường Nguyễn Tất Thành nói chung đã tạo nên một môi trường không gian văn hóa, một khu vực vui chơi, nghỉ ngơi... nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và xã hội đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, khách tham quan du lịch. Công trình là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ về tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc và uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. 

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/14DenThoBacHo

3. Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang

Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể  thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bảo tàng Tuyên Quang không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà còn thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học phản ánh quá trình phát triển về mọi mặt của tỉnh. Ở góc độ du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, công trình còn là một điểm đến của nhân dân Tuyên Quang nói riêng, cả nước nói chung và du khách quốc tế. Đặc biệt phần trưng bày nội thất và sân vườn được thiết kế theo nội dung đề cương trưng bày chi tiết, gạt bỏ sự vụn vặt, trùng lặp nhằm tạo sự hấp dẫn đối với công chúng từ hình thức bên ngoài đến các hiện vật lịch sử - văn hóa.

Bảo tàng có diện tích trưng bày 1.600 m2 được chia làm 4 phần: Gian khánh tiết và không gian trưng bày 3 chuyên đề lớn theo các chủ đề.

Gian khánh tiết bắt đầu từ không gian trưng bày trung tâm của bảo tàng, nơi bắt đầu hành trình tham quan mà hình ảnh ấn tượng đầu tiên là bức phù điêu bằng gỗ có diện tích 100 m2 với lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, làng Tân Lập - Hình tượng “Thủ đô Khu giải phóng” kết hợp trưng bày ảnh phong cảnh đẹp, ảnh về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tuyên Quang.

Chủ đề 1: được bố cục thành tiểu đề về điều kiện tự nhiên - tiềm năng kinh tế tỉnh Tuyên Quang và tiểu đề về đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang.
Chủ đề 2: trưng bày các hiện vật và nhóm hiện vật về Tuyên Quang thời kỳ tiền sử, sơ sử; lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Chủ đề 3: Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/15BaoTangTinh

4. Đền Hạ

Đền Hạ - một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Tuyên Quang

Đền Hạ là công trình kiến trúc có tuổi đời từ rất lâu thuộc thôn Hiệp Thuận của xã Ỷ La. Trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, đền Hạ đã được đổi tên rất nhiều lần. Vào thời Lý ngôi đền này có tên là đền Tam Kỳ, chuyển sang đời Trần với tên gọi là đền Hiệp Thuận và cho tới đời hậu Lê mới được đặt tên là đền Hạ.

Nhắc tới đền Hạ ở Tuyên Quang, du khách sẽ cảm thấy vô cùng ấn tượng,. Bởi ngôi đền này có vẻ đẹp kiến trúc rất nổi bật và cuốn hút. Được thiết kế theo lối nội công ngoại quốc với hướng chính Đông nhìn thẳng ra hướng của sông Lô. 

Phần trước sân chầu là cả một hệ thống các cổng phụ gồm bốn trụ. Điều ấn tượng của khu cổng phụ này là trên mỗi trụ sẽ có một con phượng đắp nổi. Phía cạnh sân chầu là Lầu Cô  hai miếu. Tiếp đến sẽ là các khu Lầu Tế và khu thờ Đệ nhị Thượng ngàn. Sau cùng là khu Tam phủ thờ Đệ nhất Thượng ngàn. 

Gian chính được bố trí theo hình chữ tam với ba cung khác nhau. Các cung của đền Hạ Tuyên Quang có đặt bộ đỉnh tại vị trí bệ thờ. Cạnh đó sẽ là treo chuông và khánh…

Nét đẹp kiến trúc độc đáo nhất của đền Hạ chính là việc chạm khắc gỗ rất tinh xảo và tỉ mit. Phía các cột, kèo và cửa võng, thượng lương đều được chạm trổ rất công phu. Các đề tài trạm trổ lên trên chủ yếu là tứ linh và tứ quý. 

Phần thân cột được chạm hình Long giáng thủy cung. Do đó, kiến trúc của đền Hạ ở Tuyên Quang luôn thể hiện được sự thanh tao và uy nghiêm. 

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/16DenHa

5. Đền Thượng

den-thuong-tq1-1623863446.JPG

Đền Thượng đã từng có các tên gọi: Đền Sâm Sơn (hay đền Tình Húc). Đây là tên gọi dưới thời Nguyễn, vì lúc đó, núi Dùm được gọi là núi Sâm Sơn thuộc thôn Viên Lâm, xã Tình Húc, tổng Bình Ca, huyện Hàm Yên, phủ Yên Bình (Tuyên Quang). Đền núi Dùm, vì ngôi đền tựa lưng vào núi Dùm, quay mặt ra sông Lô. Tên núi Dùm còn được ghi trên cổng đền hiện nay.

Đền Thượng là tên gọi dưới thời Hậu Lê, vì lúc bấy giờ có hai đền cùng được xây dựng bên bờ tả và bờ hữu sông Lô. Trong nhân dân còn lưu truyền câu: “Thượng thác Ghềnh, Hạ cầu Chả” - nghĩa là trên thác Ghềnh có đền Thượng, phía dưới gần cầu Chả có đền Hạ.

Tên đền Thượng được nhân dân gọi đến ngày nay. Đền Thượng lưng tựa vào núi Dùm, quay mặt ra sông Lô, thuận đường thủy, bộ, phong cảnh sơn thủy hữu tình, xung quanh đền có nhiều cây cổ thụ.

Từ bến xe ô tô Tuyên Quang, theo đường Bình Thuận qua cầu Nông Tiến khoảng 500 m, rẽ trái theo Quốc lộ 2C mới (đường ĐT185 cũ) Nông Tiến - Tân Long khoảng 1 km là thấy ngôi đền tọa lạc bên trái ngay tả ngạn sông Lô.

Đền Thượng là nơi thờ Mẫu, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang và du khách thập phương. Truyền thuyết về vị Mẫu thần thờ tại đền Thượng được nhiều tài liệu nhắc đến cả trong chính sử và trong tư liệu, văn bia còn lưu giữ tại đền.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/17DenThuong

6. Đền Mẫu Ỷ La

Tuyên Quang: Đền Ỷ La - Di tích Quốc gia giữa lòng thành phố - Ảnh thời sự  trong nước - Văn hoá & Xã hội - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)

Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang theo Quốc lộ 2 (Tuyên Quang - Hà Giang) đến km4 rẽ trái vào đường làng Tiên Lũng khoảng 100 m là đến đền Mẫu Ỷ La. Đền Mẫu Ỷ La thuộc tổ 4, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Đền là nơi thờ đức thánh Mẫu Thượng Thiên cùng các vị thần linh trong Đạo thờ Mẫu Việt Nam.

Đền Mẫu Ỷ La được khởi dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, ghi: “Đền thần Ỷ La ở huyện Hàm Yên, tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông, đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, nên lập đền thờ.

Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô, cùng đền thờ Ngọc Hân công chúa ở xã Tình Húc, cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm. Năm Minh Mệnh thứ 14, Tổng đốc Lê Văn Đức tiến quân đánh nghịch Vân đi qua đền vào cầu đảo, lúc dẹp được giặc, đem việc tâu bày bèn phong cho thần làng Ỷ La là Hiệp Thuận chi thần, văn bia nay vẫn còn”.

Như vậy, sự hình thành đền Mẫu Ỷ La được bắt nguồn từ đền Hiệp Thuận (đền Hạ ngày nay), cùng thờ Thánh Mẫu. Trong dân gian, đền Mẫu Ỷ La là nơi “lánh nạn” cho Thần (tỵ Thần), nơi linh thiêng chở che cho Thánh Mẫu, nơi có khả năng bảo toàn cái thiện. Vì vậy, hằng năm lễ hội đền Thượng và đền Hạ không tách rời đền Mẫu Ỷ La. Hai vị thần đều được thờ phụng ở 3 ngôi đền. Nhưng đền Mẫu Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, đền Hạ là nơi hợp tế đều có nguyên do lịch sử và tín ngưỡng dân gian.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/18DenYLa/

7. Thị trấn Na Hang và bến thuyền

Na Hang là thị trấn huyện lỵ của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, nơi có những con đường đèo uốn lượn quoanh co, có những dòng sông, thác nước, rừng núi hùng vĩ, nên thơ, nơi những bản làng dân tộc đơn sơ, chân chất chính là một điểm đến truyệt vời cho du khách. Nằm bên đôi bờ sông Gâm, thị trấn Na Hang là một điểm sáng du lịch vô cùng hấp dẫn của tỉnh Tuyên Quang. Thị trấn có tổng diện tích là 4.674,96 km2, phía Bắc giáp xã Năng Khả, Khau Tinh; phía Đông giáp xã Sơn Phú, phía Tây giáp xã Năng Khả và phía Nam giáp xã Thanh Tương.

Đến với thị trấn Na Hang, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những cảnh vật hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ cực kì ấn tượng, những điểm tham quan hấp dẫn như đền Pác Tạ, thác Mơ Na Hang…Không chỉ vậy, thị trấn Na Hang còn hấp dẫn du khách bởi những nét văn hóa riêng với những điệu hát then, hát lượn và kho tàng truyện cổ tích truyền miệng. Đặc biệt, vào ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm, du khách còn được tham dự Lễ hội Lồng tông – một ngày hội xuống đồng truyền thống của dân tộc Tày tại trung tâm thị trấn, trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh pam, đánh yế, tung còn, kéo co…

Ngoài ra, tại thị trấn Na Hang có nhà máy Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, khởi công ngày 22/12/2002 và hoàn thành vào năm 2007. Đây là công trình trọng điểm của đất nước và là niềm tự hào của người dân Na Hang. Một lần được ghé thăm nơi đây, chắc chắn du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ của những con đập nhân tạo giữa chập chùng non ngàn.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/11NaHang/

8. Đền Pác Tạ

Photo

Đền Pác Tạ (Na Hang) là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong tua du lịch tham quan, khám phá hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Đền thờ phụng và tưởng nhớ vị hôn thê của Tướng quân Trần Nhật Duật. Di tích đền Pác Tạ là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285: vị tướng tài giỏi Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lúc đó trấn thủ vùng đất Tuyên Quang.

Đền Pác Tạ nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Pác Tạ - ngọn núi cao nhất của huyện Na Hang. Xưa kia, đền được dựng bằng tranh, tre, nứa, lá. Qua thời gian, đền đã bị hư hỏng và đổ sập hoàn toàn. Sau đó nhân dân trong vùng đã dựng một am nhỏ bằng tre, nứa để thờ. Đến năm 2008 đền Pác Tạ được khởi công xây dựng lại. Đền được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2009.

Đền có kiến trúc đền hình chữ nhất, ba gian hai chái. Các cấu kiện kiến trúc đều bằng gỗ, lợp ngói vẩy rồng, nóc có đôi Rồng chầu nguyệt, bốn góc có đao cong hình con Rồng, bốn nóc xối có bốn con Nghê chầu. Kiến trúc trong đền được chạm khắc tinh tế. Chính giữa đặt tượng “Đức Thánh Mẫu”. Phía trên khán thờ có bức đại tự: Đền thiêng Pác Tạ. 

Đền Pác Tạ nằm cách trung tâm thị trấn Na Hang chừng 2km. Để tới được đây, du khách sẽ phải di chuyển bằng thuyền, băng qua vùng hồ sinh thái Na Hang, nơi có Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang - một trong những công trình có công suất lớn nhất Việt Nam và vùng lòng hồ rộng lớn, thơ mộng.

Một năm đền diễn ra hai lễ lớn, đầu năm lễ cầu, cuối năm lễ tạ. Vào dịp lễ, nhân dân trong vùng tập trung tại đền, cùng cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống người dân ấm no. 

Với những giá trị về mặt văn hóa và lịch sử, đền Pác Tạ đã và đang là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách gần xa.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/06DenPacTa/

9. Rừng nguyên sinh Tát Kẻ

Thả mình vào thiên nhiên

Năm trong khu bảo tồn có diện tích 41.930 ha, bao gồm diện tích bảo vệ nghiêm ngặt 27.520 ha. Diện tích bảo tồn nghiêm ngặt được tách thành hai phân khu. Phân khu Tát Kẻ ở phía bắc có diện tích 12. 500 ha; phân khu Bản Bung ở phía nam có diện tích 15.020 ha. Địa hình đặc trưng là các núi đá vôi dốc, đan xen các vùng không có nền địa chất đá vôi bằng phẳng hơn, một trong 12 khu vực cần ưu tiên cao nhất trong công tác bảo tồn sinh học quốc gia. Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ- Bản Bung được coi là lá phổi của Tuyên Quang, sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên và phong phú về động thực vật chính là điểm hấp dẫn để thu hút mọi người đến với nơi đây, với những du khách ưa khám phá và mạo hiểm. Mang đậm kiểu khí hậu của vùng núi cao, khu bảo tồn có nhiệt độ trung bình trên 28 độ C. Vào mùa hè, nhiệt độ tương đối mát mẻ, thích hợp cho nhiều hoạt động du lịch, khám phá.

Thảm thực vật hỗn giao giữa kiểu rừng lá kim và rừng lá rộng với 2000 loài tạo nên rừng đa tầng sinh học từ thực vật bậc thấp đến những cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Đặc biệt khu vực có rất nhiều loài gỗ quý như: Sưa Đỏ, Đinh, Hoàng Đàn, Thông Pà cò, Lát Hoa, Nghiến Trai, Mun, Trầm Gió…và hàng trăm loài cây dược liệu quý hiếm. Hiện khu bảo tồn vẫn còn lưu giữ được trên 2.000 loài thực vật, trong đó có những loài đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Ngoài ra còn có 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài ếch nhái và 90 loài thú, nhiều loài được ghi trong Sách Đỏ, điển hình như: voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa…Voọc mũi hếch là loài đặc hữu Việt Nam, hiện mới có ghi nhận tại hai nơi ở miền Bắc là khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang tỉnh Tuyên Quang và Du Già tỉnh Hà Giang. Khu vực hiện nay có sức hấp dẫn lớn đối với các du khách nước ngoài tìm kiếm những điểm du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã. Hướng đến bảo tồn thiên nhiên song vẫn đảm bảo giá trị phát triển kinh tế khu vực, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai hiệu quả mô hình phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của tỉnh tới du khách trong và ngoài nước. Đồng thời kết hợp hiệu quả các chương trình nghiên cứu, giáo dục, các dự án bảo tồn thiên nhiên dựa vào cộng đồng.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/12RungNguyenSinhTatKe/

10. Ruộng bậc thang Hồng Thái

Vào cuối tháng 3, những triền ruộng bậc thang Hồng Thái đầy ắp nước từ những khe lạch nhỏ trên núi cao đổ về, lung linh như những tấm gương phản chiếu, nối dài tới tận chân trời. Mùa lúa chín vào tháng 9, tháng 10, thời gian này, các cánh đồng lúa đồng loạt chuyển sang sắc vàng rực rỡ. Từng dải sóng vàng uốn lượn bên sườn núi đã làm mê hoặc không biết bao nhiêu người

Với lịch sử gần hai trăm năm, toàn xã có tổng diện tích ruộng bậc thang trồng lúa là 82 ha, tập trung nhiều nhất tại các thôn: Khau Tràng 30 ha, Pắc Khoang 10 ha, Nà Mụ hơn 10 ha, đất phân bố suốt dọc con đường liên xã, quanh khu vực trung tâm xã Hồng Thái. Ruộng có khi nằm cheo leo trên lưng chừng núi, sát đường đi, có khi nối liền từ đỉnh núi xuống tận khe suối với độ cao hàng 100m. Những cánh đồng bậc thang nơi đây được đánh giá là một trong những danh thắng bậc thang vào loại đẹp nhất huyện, được đánh giá là một “công trình lao động sáng tạo vĩ đại” của người Dao Tiền. Đứng từ trên cao có thể quan sát được toàn cảnh những triền ruộng bậc thang mênh mông, nối dài ngút tầm mắt. Những thửa ruộng xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi, từ chân lên đến đỉnh, nối từ đồi này sang đồi khác tạo nên một vẻ đẹp diễm lệ như một thiên đường ẩn hiện trong mây.

Có một điều dễ cảm nhận được khi đến đây là dường như với bàn tay lao động và sự cần cù của mình người Dao Tiền có thể biến mọi loại địa hình đồi núi, tận dụng tất cả nơi có đất để làm ruộng bậc thang. Có những chỗ gần như cả một quả đồi là những thửa ruộng bậc thang nhỏ vài ba mét vuông, xung quanh là đá, nơi phải dùng cuốc cày, bừa rồi dẫn nước vào cấy. Ở những khu đồi thấp, độ dốc không lớn và có nhiều mặt bằng, chiều ngang thửa ruộng rộng hơn, có nơi lên đến hàng chục mét, nhưng đa phần ruộng của người Dao Tiền thường hẹp, chỉ vừa đủ một hoặc hai đường bừa. Cũng tùy vào địa hình mà độ dài ngắn của mỗi thửa ruộng cũng khác nhau, có những thửa dài chỉ độ 3- 4m lại có những thửa uốn lượn qua rất nhiều khúc cua, nối từ sườn đồi này sang sườn đồi khác. Độ cao của mỗi thửa ruộng cũng không cố định, thông thường khoảng cách giữa ruộng trên với ruộng dưới từ 1m - 2m. Bờ ruộng có độ rộng khoảng 20cm - 30cm, thông thường được đắp ở ngay mép ruộng, nhưng tại những khu ruộng có độ dốc lớn và kết cấu không chắc chắn hay bị sạt bờ, đồng bào phải lấy cuốc đào sâu vào chân ruộng rồi dùng đá kè chặt từ mặt ruộng dưới lên cao sát với mép ruộng sau đó lấy đất đắp lên trên kè đá làm bờ ruộng.

Các thửa ruộng bậc thang thường rất hẹp nhưng mỗi quả đồi thường có khoảng từ 10 đến 20 thửa ruộng, có nơi còn lên tới hơn 30 bậc, độ cao của mỗi thửa trung bình từ 1,5m - 2m. Do đặc điểm là núi cao, những khu ruộng lại được bao bọc bởi rừng cây, tại những điểm tiếp giáp giữa hai quả đồi thường là những khe nước chảy, đây chính là nơi cung cấp nguồn nước chủ yếu cho mùa vụ của đồng bào.

Từ bao đời nay, đồng bào Dao tiền ở xã Hồng Thái, bằng đôi tay khéo léo, cần cù đã khắc tạc giữa đất trời những kiệt tác ruộng bậc thang tựa như những bức tranh thiên nhiên kỳ thú, hữu tình.  Đây là điểm đến chắc chắn du khách có thể cảm nhận một cách trọn vẹn nhất phong cảnh thiên nhiên hữu tình cũng như cuộc sống của người dân tộc Dao Tiền

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/07RuongBacThangHongThai/

11. Điểm du lịch cộng đồng Khâu Tràng

Nằm ở độ cao trên 1.200 mét so với mực nước biển, cách trung tâm huyện gần 50 km, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng điểm thôn Khâu Tràng xã Hồng Thái, huyện Na Hang là một trong những xã cao nhất của tỉnh. Với núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh các sườn đồi, những ngôi nhà gỗ, lợp mái ngói âm dương …Những năm qua, xã đã phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Dao Tiền. Nhiệt độ trung bình ở Hồng Thái chỉ khoảng 20 độ C, lượng mưa 2.000 mm/năm. Thổ nhưỡng, khí hậu ở đây thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng trọt. Đặc biệt cho những cây trồng cận ôn đới như chè Shan, lê, hồng, mận, rau su su, bắp cải, rau đậu…không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp; mùa hoa lê trắng ngần… mà còn được nhiều người nhắc đến những ngôi nhà gỗ, lợp mái ngói âm dương. Những ngôi nhà nơi đây đã tồn tại hàng trăm năm mang vẻ đẹp hoài cổ ẩn chứa nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Dao tiền đang là điểm đến lý thú của nhiềm du khách thập phương. 

Hồng Thái có cảnh đẹp bốn mùa. Mùa xuân, rực rỡ sắc hoa mận, hoa lê bạt ngàn núi rừng. Mùa hè, những thửa ruộng bậc thang hơn 80 ha đẹp tựa như thảm lụa vắt ngang lưng đồi. Khi tiết thu về, những thảm lúa chín vàng óng trên những ruộng bậc thang lớp lớp sóng lúa tỏa hương. Còn mùa đông, Hồng Thái thật huyền ảo, mây sà xuống từng vạt rừng, từng nóc nhà….xã Hồng Thái, huyện Na Hang còn được ví như “Sa Pa của Tuyên Quang” vì cảnh sắc và khí hậu đặc biệt nơi đây. Mùa lúa muộn là thời gian tốt nhất để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của xã cao nhất Tuyên Quang này.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/08DuLichKhauTrang/

12. Đền Pắc Vãng

Đền Pác Vãng được khởi dựng thời Trần, thờ nhân vật chính là Quan Đế Đại Thần và thờ Mẫu. Đền Pác Vãng được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa ở Na Hang. Trước khi xa mảnh đất đã gắn bó lâu đời, toàn thể cộng đồng người Hoa đã đóng góp tiền của để xây dựng mới ngôi đền Pác Vãng làm nơi thờ Quan đế Đại thần và thờ Mẫu, tuy nhiên khi thuỷ điện Tuyên Quang được tích nước, ngôi đền được người dân di dời lên một vị trí mới cao hơn chính là vị trí hiện nay mà chúng ta đang thấy. Kiến trúc độc đáo của đền thể hiện sự giao thoa giữa 2 nền văn hoá, giữa văn hoá của người Hoa và người Việt Nam. Đền Pác Vãng được dựng trên sườn núi đá vôi, độ dốc tương đối lớn, xung quanh nhiều đá tảng, mặt bằng kiến trúc không bằng phẳng, các công trình kiến trúc của đền được dựng trên cột bê tông quay theo hướng nam, trông ra vùng lòng hồ rộng lớn. Nhân dân nơi đây, thờ phụng và ngưỡng vọng vị Thánh Mẫu Thượng Ngàn để cầu mong có được cuộc sống bình yên, dân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt. 

Cũng như bao ngôi đền khác trên mảnh đất Tuyên Quang, hàng năm tại đền Pắc Vãng, nhân dân địa phương thường tổ chức nhiều ngày lễ được tính theo âm lịch mang tính truyền thống để cầu mong dân khang vật thịnh, mùa màng bội thu, như: Ngày 18 tháng Giêng: Lễ Thượng nguyên (lễ giải hạn cho dân); Ngày 25 tháng Giêng: Lễ Chư tướng (Hội Đồng); ngày 12 tháng 2: Lễ Mẫu; ngày 10 tháng Chạp: Lễ Tất niên; ngày 25 tháng Chạp: Lễ xếp ấn hết năm. Do có tiếng là đền linh thiêng, không ít du khách thập phương cũng không quản ngại đường xa ghé thăm nơi đây và cầu nguyện. Hiện nay đền Pắc Vãng là một điểm du lịch không thể thiếu mỗi khi du khách tham quan lòng hồ Na Hang - Lâm Bình

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/05PacVang/

13. Thác Khuổi Nhi

Thác Khuổi Nhi nằm tại xã Thượng Lâm, là con thác lớn nhất huyện Lâm Bình. Thác ẩn mình giữa rừng già thuộc danh thắng quốc gia Na Hang - Lâm Bình, bao quanh là lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Vào những ngày lễ, nơi này đón hàng trăm du khách từ khắp nơi về tham quan.

Cách duy nhất đến thác Khuổi Nhi là đi bằng thuyền. Nếu đi từ Hà Giang, bạn có thể xuất phát tại bến thuyền gần cầu treo Thượng Tân, huyện Bắc Mê, mất khoảng 4 tiếng mới đến nơi. Khách từ Tuyên Quang sẽ xuất phát tại bến thuyền ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, lộ trình sẽ ngắn hơn, chỉ khoảng một giờ di chuyển

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/03ThacKhuoiNhi/

14. Cọc Vài Phạ và 99 ngọn núi

Na Hang - Lòng hồ sau cơn mưa - "Ken Can Phuot - You Can"

Đến với Cọc Vài, vùng Lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang được đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ kỳ bí, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc với vẻ đẹp và con người nơi đây, dường như mọi bộ bề của cuộc sống đều tan biến…

Bắt đầu từ bến Thượng Lâm, du khách sẽ tiếp tục hành trình bằng thuyền Kayak trên sông Gâm trong vắt, mát lạnh, cùng những cánh cung sông ngút ngàn tầm mắt…

Và thắng cảnh Cọc Vài dần hiện ra với bao niềm cảm xúc. Cọc Vài vốn là một cột đá cao hàng trăm mét nằm sâu trong vùng 99 ngọn núi đá vôi vùng Thượng Lâm (Lâm Bình- Tuyên Quang). Trước khi có nước hồ thủy điện, hiếm có ai đến được nơi này bởi địa hình quá hiểm trở. Khi nước hồ dâng lên thì việc đến thăm thắng cảnh bằng thuyền trở nên dễ dàng hơn. Đến nơi đây, du khách vừa thưởng thức cảnh đẹp, vừa được nghe câu chuyện về chàng không lồ đắp đập ngăn nước cho dân bản mà không muốn dứt ra khỏi sự nguyên sơ và kì bí đó…

Đây sẽ là một trong những điểm dừng chân thú vị nhất trong chuyến khám phá Cọc Vài, từ đây du khách sẽ có cơ hội ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo (được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng thắng cảnh quốc gia), Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung, thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát, hang Phia Vài…

Và sẽ là sự nuối tiếc nếu ai đã từng đặt chân lên Tuyên quang mà không được tận mắt nhìn ngắm và cảm nhận vẻ đẹp của Cọc Vài, tự tay chèo lái con thuyền nhỏ khám phá thiên nhiên sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị, dường như chúng ta đang bơi vào với cổ tích giữa đời thường để tận hưởng và cảm nhận được sự hùng vỹ của núi rừng, của vẻ đẹp non sông đất nước.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/09VaiPhava99nui/

15. Hang Khuổi Pín

Lạc vào hang Khuổi Pín như chốn bồng lai » Báo Phụ Nữ Việt Nam

Hang Khuổi Pín là hang động tuyệt đẹp trên núi Khuổi Pín, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, thuộc vùng hồ thủy điện Tuyên Quang. Hang Khuổi Pín còn được người dân địa phương gọi là Hang gió, bởi trên đỉnh non cao này, gió thổi suốt ngày đêm, hút vào miệng hang tạo thành những âm thanh du dương.

Từ bến Thủy xã Thượng Lâm, du khách di chuyển bằng thuyền và đi bộ 1 giờ rưỡi ngược dốc cao, qua những cánh rừng già nguyên sinh với nhiều thân cây to, dốc đá tai mèo sẽ đến hang Khuổi Pín. Đường vào hang có 2 khe cửa đá. Hang có 3 khoang, chỗ rộng nhất trên 300m2, chỗ cao nhất trên 100 m cùng với hàng trăm ngách nhỏ. Hang Khuổi Pín là điểm đến lý tưởng cho du khách thích khám phá.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/01HangKhuoiPin/

16. Thác Nặm Me

Danh thắng thác Nặm Me, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) là con thác lớn trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m với 15 tầng thác, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ có lưu lượng nước khá đều quanh năm.

Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thủy điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn. Bà Chẩu Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, với giá trị sinh thái và vẻ đẹp hùng vĩ, lãng mạn, thác Nặm Me đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia cần được bảo vệ và phát huy.

Có nhiều ngả để có thể tới được thác Nặm Me, nhưng đều phải đi bằng thuyền mới tới chân thác thuận lợi. Du khách có thể đi theo lộ trình từ chân đập thủy điện Tuyên Quang qua danh thắng Cọc Vài rồi đến thác Nặm Me, hoặc qua Bến Thủy thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đi thuyền máy ngược lên hướng làng chài Phúc Yên tầm  45 phút là tới. Nhiều người đã leo thác Nặm Me cho rằng, đây là con thác đẹp nhất huyện Lâm Bình.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/02ThacNamMe/

17. Chùa Phúc Lâm

Chùa Phúc Lâm (còn gọi là Phúc Lâm Tự, có nghĩa là ban phúc, phúc lành cho núi rừng) nằm ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời, đã trở nên quen thuộc và gần gũi với mọi thế hệ người dân trong và ngoài huyện. Mặc dù là một ngôi chùa nhỏ, nhưng Phúc Lâm ẩn chứa các dấu tích của một nền văn hóa xưa đầy tự hào và những hoạt động tín ngưỡng của cư dân vùng cao.

Chùa Phúc Lâm toạ lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng đãng và bằng phẳng dưới chân núi, chùa dựng theo hướng Tây-Nam, mặt tiền nhìn ra cánh đồng bản Nà Tông, xa hơn nữa là các dãy núi trùng điệp, mây trắng bao phủ quanh năm gắn liền với huyền thoại 99 ngọn núi cùng “đàn Phượng Hoàng đi tìm đất làm kinh đô”. Bên cạnh là núi Cô Tiên với dáng vẻ kì bí, huyền ảo.

Chùa Phúc Lâm ngoài thờ Phật còn thờ các vị thần bản địa, gắn bó trực tiếp với cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây, đây cũng là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo và đặc trưng của một ngôi chùa vùng cao. Từ những nghiên cứu của các chuyên gia thì chùa mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần thế kỷ XIII-XIV, điều này chứng tỏ lịch sử khai phá lâu đời và sinh hoạt tín ngưỡng phong phú của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chùa Phúc Lâm, điểm đến tâm linh của huyện vùng cao Lâm Bình.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/04ChuaPhucLam/

18. Điểm du lịch cộng đồng Nà Tông

Điểm du lịch cộng đồng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình nổi lên là một địa chỉ du lịch được nhiều người tìm đến. Với lối kiến trúc nhà sàn độc đáo cùng với các tua du lịch kết nối hợp lý, homestay nơi đây thực sự hấp dẫn khách du lịch. Thôn Nà Tông có đến hơn 60% đồng bào Tày sinh sống vì vậy, các ngôi nhà homestay vẫn giữ vẹn nguyên bản sắc truyền thống của người Tày. Nhà sàn gỗ, lợp ngói hoặc lá cọ. Không gian bên trong được người dân chỉnh trang, sắp xếp lại để phù hợp cho khách nghỉ ngơi, thư giãn. 

Mỗi căn nhà sàn homestay có sức chứa từ 20 - 30 người. Trải nghiệm homestay Nà Tông, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành của đất trời vùng cao, được thưởng thức những làn điệu dân ca Tày độc đáo như then, cọi, lượn mà còn cùng bà con dệt những vuông thổ cẩm làm nên bản sắc riêng có của đồng bào nơi đây. Phong cảnh ở đây nổi tiếng với những dãy núi đá vôi và những ngôi nhà sàn tuyệt đẹp. Du khách có thể tham quan vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, danh thắng Cọc Vài thuộc địa phận xã Thượng Lâm và nghỉ lại tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nà Tông, thăm quan cánh đồng Nà Tông bao quanh là 99 ngọn núi, còn có Chùa Phúc Lâm Tự, mang phong cách kiến trúc thời Nhà Trần thể kỷ XIII-XIV và được công nhận là di tích cấp Quốc gia, trải nghiệm câu cá dưới chân thác Khuổi Nhi, bơi thuyền Kayak. 

Đặc biệt ẩm thực độc đáo cũng tạo nên sức hấp dẫn du khách, các món ăn chủ đạo được chế biến từ lợn mán, gà đồi, cá suối kết hợp với một số món rau rừng như bò khai, rau hôi, giảo cổ lam, măng rừng... sẽ khiến du khách mê mẩn không muốn rời....Với cách làm du lịch khá bài bản, hiện nay điểm du lịch cộng đồng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm không chỉ là địa điểm du lịch lý tưởng mà còn là nơi kết nối, mời gọi du khách gần xa đến với mảnh đất và con người Lâm Bình. 

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/10NaTong/

19. Trải nghiệm ngắm hoa lê Hồng Thái

hoa-leht-1646367402.jpg

Đã bao giờ bạn tìm hiểu về ý nghĩa của loài hoa tinh khiết này chưa? Với vẻ đẹp của từng cánh hoa tròn nhỏ, của màu sắc trắng nhẹ nhàng như thế, hoa có ý nghĩa gì?

Tượng trưng cho tình yêu mới chớm:

Hoa Lê là tượng trưng cho vẻ đẹp tự nhiên, tinh khôi và trong sáng. Là loài hoa của tình cảm chớm nở ban đầu, nhẹ nhàng mà chân thật. Trong tình yêu nếu bạn tặng hoa Lê cho đối phương sẽ là lời bộc bạch tình cảm một cách dễ thương và chân thành nhất. Là lời ngỏ tỏ tình thay cho lời nói trực tiếp. Vì thế, loài hoa Lê được dùng làm những bó hoa tình yêu để kết nối những chuyện tình đẹp.

Mùa hoa lê ở Hồng Thái (Na Hang) là mùa được nhiều người chờ đón trong năm. Những bức ảnh check-in từ vườn lê được đăng tải trên mạng xã hội những ngày gần đây đã thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng. Màu trắng tinh khôi của hoa lê bung nở giữa đại ngàn đã khiến bao người mê mẩn, để rồi đến hẹn lại lên, cứ vào mùa lê nở là họ lại thổn thức tìm về.

Chính bởi thế, Hồng Thái mùa lê nở như rộn ràng hơn. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những nhóm bạn trẻ đang thích thú tạo dáng bên nhành hoa lê chỉ với những chiếc Smartphone gọn nhẹ. Đâu đó bên những cây lê nở rộ là cảnh những thiếu nữ Dao Tiền đang chỉnh trang lại xiêm y với nụ cười tỏa nắng thu hút mọi ánh nhìn. Màu trắng tinh khôi của hoa lê hòa quyện trong sắc trắng của trang phục quần áo dân tộc tạo nên một khung cảnh đầy mơ màng, quyến rũ. Không gian như hư, như thực nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của không ít nhiếp ảnh gia và trong khoảnh khắc nào đó họ thực sự thăng hoa và có những bức ảnh đẹp đến nao lòng.

Ai đó từng nói, Hồng Thái đẹp bởi có mùa hoa lê. Điều đó cũng chẳng sai. Bởi nhịp sống thanh bình, thiên nhiên khoáng đạt và đặc biệt là vườn lê nở trắng ngần đã mê hoặc bao người lữ khách. Và có một du khách người Quảng Bình sau chuyến du hí vùng cao đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của hoa lê, để rồi viết nên vần thơ dạt dào cảm xúc:

“Dao Tiền dân tộc vùng cao
Hoa lê Hồng Thái tinh khôi 
                              trắng rừng
Dừng chân du khách ngập ngừng
Tâm hồn hòa quyện núi rừng 
                        Tuyên Quang”

Mùa hoa lê ở Hồng Thái nở hoa từ khoảng giữa tháng 1 đến trung tuần tháng 3. Những ngày này, nụ hoa lê đang e ấp chuẩn bị đón xuân sang. Đây là quãng thời gian đủ để cho những ai chưa có dịp ghé thăm mảnh đất vùng cao nhanh chóng lựa chọn tua du lịch khám phá mùa hoa lê ý nghĩa cho riêng mình.

Link du lịch trực tuyến VR360: https://vr360.mytuyenquang.vn/tuyenquang/19LeHoiHoa/

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu