Điều chỉnh xã Minh Quang, Phúc Sơn về Lâm Bình - thêm cơ hội phát triển du lịch

1446 0

Trước kia huyện vùng cao Na Hang trải dài trên một vùng rộng lớn, địa hình chia cắt, xa trung tâm. Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, huyện đã chia ra làm 3 khu A, B, C. Mỗi khu hình thành như một cụm xã, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Năm 2002, công trình thủy điện Tuyên Quang được xây dựng, huyện Na Hang phải di dân tái định cư 5 xã vùng lòng hồ. Năm 2007, công trình thủy điện Tuyên Quang khánh thành tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn với 8.000 ha mặt nước, địa hình của huyện cũng vì thế bị chia cắt nhiều hơn.

Năm 2011, tỉnh đã trình Chính phủ cho thành lập huyện mới Lâm Bình trên cơ sở lấy 5 xã của huyện Na Hang và 3 xã Hồng Quang, Thổ Bình, Bình An của huyện Chiêm Hóa. Đón Xuân Tân Sửu 2021, huyện Lâm Bình kỷ niệm tròn 10 năm ngày thành lập huyện. 10 năm xây dựng và phát triển không phải là chặng đường dài, nhưng Lâm Bình đã có một sự đổi thay ngoạn mục.


Du lịch homestay với bản sắc người Dao Đỏ xã Phúc Sơn đã bắt đầu phát triển.

Cùng với huyện Na Hang, Lâm Bình phát triển mọi mặt, từ kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch 5 sao (Hà Nội) cho rằng, huyện Lâm Bình có thuận lợi là nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, danh thắng quốc gia đặc biệt của tỉnh. Lâm Bình quản lý 1/2 vùng lòng hồ, có 4.000 ha mặt nước với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên địa bàn huyện có nhiều danh thắng đẹp như bến Nà Tông, Cọc Vài, thác Khuổi Nhi, Nặm Me, động Song Long, làng chài Phúc Yên, danh thắng núi đá vôi xã Thượng Lâm, thung lũng Bản Cài, chùa cổ Phúc Lâm Tự, cánh đồng xã Khuôn Hà, đền Pú Bảo, xã Lăng Can… Du lịch lễ hội được huyện khôi phục lại Lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày, nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Ngoài ra huyện đã giữ những cánh rừng nguyên sinh để phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với du lịch cộng đồng homestay với những mái nhà sàn truyền thống giúp giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây.

Ông Lý Văn Tài, chủ một Homestay ở thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn khẳng định, sáp nhập thêm 2 xã vùng thượng huyện Chiêm Hóa là Minh Quang và Phúc Sơn về huyện Lâm Bình, người dân 2 xã đến trung tâm huyện sẽ gần hơn. Hơn nữa 2 xã này về văn hóa, bản sắc có những nét tương đồng với các xã Bình An, Hồng Quang, Thổ Bình sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.

Tiềm năng du lịch của xã Minh Quang và Phúc Sơn, là rất lớn có thể kể đến các danh lam thắng cảnh như: đền Bó Cuống, Lễ hội Lồng tông xã Minh Quang, trải nghiệm vùng rừng nguyên sinh Tầng, Biến, hang Bó Ngoặng, dịch vụ homestay tại xã Phúc Sơn... Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lâm Bình hiện nay có tốc độ phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch homestay nhanh nhất tỉnh. Du khách đến với Lâm Bình ngày càng nhiều. Du lịch ở cụm xã này sẽ có thêm tua xem nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang; du lịch homestay ở xã Thổ Bình, đua xe địa hình, điểm dừng chân chụp ảnh trên đèo Khau Lắc ở xã Bình An...

Có thể nói, việc tách 2 xã Minh Quang và Phúc Sơn của huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình xét riêng về khía cạnh phát triển du lịch cũng cho thấy sự phù hợp để tạo ra liên kết tua, tuyến liền mạch, quy hoạch vùng, giúp cho Lâm Bình bứt phá phát triển du lịch trong thời gian tới.

Theo Tuyên Quang Online

Bản đồ

Lịch trình mẫu